***Lưu ý: Đây là chuỗi bài viết theo góc nhìn cá nhân của admin nhằm vẽ nên một bức tranh chỉnh thể về toàn bộ hệ thống chư vị thần thánh Việt Nam, lấy cảm hứng từ cách phân chia Tứ phủ. Bài viết đôi chỗ có sự phóng tác trong giới hạn cho phép để kết nối các yếu tố tín ngưỡng riêng biệt, do vậy không tránh khỏi những quan điểm chủ quan, mong bạn đọc đóng góp ý kiến***
THẦN KHỔNG LỒ THƯỢNG CỔ
Thuở khởi nguồn, thế gian chỉ là một cõi hư vô, hỗn mang, trời đất lẫn lộn, không ánh sáng cũng chẳng có bóng đêm. Giữa cõi thinh không đó, bỗng hình thành nên một vị thần khổng lồ, to hơn tất cả những kẻ khổng lồ hậu thế, to hơn tất cả trời đất và núi non sau này. Ngài là một vị thần khởi thủy, lấy đầu đội trời, chân đạp đất, đoạn đào đất vác đá thành một cái cột khổng lồ để chống trời lên. Nhờ vậy mà trời đất được phân làm đôi, và người đời sau gọi ngài là thần Trụ Trời.
Khi trời đã cao và khô cứng, thần liền phá tan cột trụ đi, lấy đất đá ném ra tứ phía thành những núi, đồi, gò, đảo, khiến mặt đất trở nên chỗ cao chỗ thấp. Còn chỗ thần đào đất để xây cột trụ trời về sau đầy nước thành biển cả, sông ngòi.
Khi đã hoàn thành tất cả những công trình kì vĩ của tự nhiên cũng là lúc mà thần Trụ Trời kiệt sức. Thần nằm xuống và khép đôi mắt to lớn đi vào giấc mộng thiên thu. Thân thể kì vĩ của thần sản sinh ra những thế hệ khổng lồ con cháu. Những vị khổng lồ hậu thế của thần Trụ Trời phải kể đến các cặp thần nam nữ: ông Đùng bà Đà, ông Lộc Cộc bà Tồ Cô, ông Tứ Tượng bà Nữ Oa, ông Thu Tha bà Thu Thiên, hay thần Vồm… Những vị thần tuy sức vóc không bằng người cha nhưng công lao chẳng hề kém cạnh. Họ nối nghiệp thần Trụ Trời hoàn thiện dáng hình thế giới, giúp đỡ nhân gian cho đến khi từng kẻ một nhắm mắt xuôi tay và hóa thành những ngọn núi non hùng vĩ.
Nhưng, di sản lớn nhất mà thần Trụ Trời để lại vẫn là thế gian mà ngài đã tạo ra. Cõi hỗn độn, hư vô thuở nào nay đã hình thành nên bối cõi: bầu trời, núi rừng, sông ngòi và mặt đất, hay chính là Tứ phủ. Chư vị tiên thánh cũng từ đó mà sinh ra, hình thành thế giới thần tiên muôn màu muôn vẻ của người Việt.
THIÊN PHỦ
Thiên phủ là toàn bộ cõi trời, là chín tầng trời mênh mông vô tận bao phủ mọi miền địa, thoải, nhạc. Chín tầng trời ấy là nơi cư ngụ của muôn vàn chư vị thần linh thiên phủ, các thần tự nhiên phụng sự Ngọc Hoàng, thần tộc Hồng Bàng hậu duệ Quốc mẫu Âu Cơ và các bậc tiên thánh dưới quyền cai quản của Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên thần thông quảng đại.
Đứng đầu Thiên phủ là Vua cha Ngọc Hoàng, dân gian còn gọi là Ông Trời, có quyền hạn lớn nhất cai quản toàn bộ lục giới; đứng đầu tất cả thần tiên với toàn bộ quyền phép vô song sai khiến hàng vạn thiên binh thiên tướng. Ngọc Hoàng là người xét phong và xét phạt các vị thần tiên. Ngọc Hoàng cũng giao cho Thập nhị tiên nương, tức Mười hai bà mụ nặn ra con người, muôn loài vật và cây cỏ, rồi đích thân Ngài đặt tên cho muôn loài muôn vật.
Ngọc Hoàng ngự tại điện Linh Tiêu, cũng là nơi tổ chức các buổi chầu, yến tiệc. Hai bên hầu cận có quan Nam Tào và quan Bắc Đẩu. Nam Tào giữ sổ sinh, Bắc Đẩu ghi sổ tử, họ ghi chép mọi việc sinh tử, đầu thai của người trần. Trực tiếp tuân lệnh Ngọc Hoàng còn có các vị thần cai quản tự nhiên: thần Sét hay còn gọi là Thiên Lôi, thần Mưa hình rồng, thần Gió cụt đầu. Mang tiếng người nhà trời quyền phép mà những vị thần này vừa đãng trí, lại vừa hống hách, tuy có lúc ban cho con người mưa thuận gió hòa nhưng cũng có khi tàn phá mùa màng bằng bão lũ và hạn hán. Người phàm vừa biết ơn, nhưng cũng nhiều phen uất hận phải lên tận nơi hỏi tội, hệ quả là nhiều lần thiên tướng nhà trời cũng phải đại bại trước sự đoàn kết của binh đoàn Cóc hay ý chí của Cường Bạo Đại vương. Ngoài ra, có những vị thần như Thổ Công và Táo Quân, vốn làm việc miền hạ giới bảo hộ cho mỗi gia đình nhưng vẫn trực thuộc nhà trời. Cứ mỗi dịp cuối năm, các vị Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về Thiên phủ báo cáo công việc cả năm cho Ngọc Hoàng phán xử.
Quốc mẫu Âu Cơ sau khi thác hóa về trời cũng ngự trên Thiên phủ. Bà thuộc hàng Quốc tổ, dưới cờ bà Quốc mẫu có chư vị thần linh thời Hồng Bàng được dân chúng thờ phụng như các đời Hùng Vương, Hùng Hải, Hùng Linh Công, Tiên Dung, Lang Liêu, Mai An Tiêm… thậm chí ba vị trong Tứ Bất Tử là Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đạo Tổ và Tản Viên Sơn Thánh cũng thần phục bà. Lời bà phán truyền muôn dân Bách Việt tin nghe, vì vậy kể cả Ngọc Hoàng đại đế cũng hết sức tín nhiệm bà, có điều gì cần tham kiến đều trông cậy vào Quốc mẫu. Tản Viên Sơn Thánh đảm nhận nhiều trọng trách, vừa thuộc thần tộc Hồng Bàng hậu duệ bà Âu Cơ, vừa thuộc hàng Tứ Bất Tử rất có vai vế trên Thiên đình, lại là Thần vương của miền Nhạc phủ, ngang hàng với Vua cha Ngọc Hoàng, Vua cha Bát Hải Động Đình và Vua cha Địa Phủ.
Vợ của Ngọc Hoàng là Tây Vương Mẫu, hay dân gian vẫn quen gọi là Bà Trời. Vợ chồng chung sống thuận hòa, tuy có đôi lúc cãi nhau mà sinh thời tiết thất thường vừa mưa vừa nắng. Ngọc Hoàng và Vương Mẫu sinh hạ những người con gái xinh đẹp yêu kiều chim sa cá lặn. Những nàng công chúa chốn thiên cung phải kể đến nàng Lâm Cung, nàng Quảng Cung, nàng Mặt Trời, nàng Mặt Trăng, nàng Lúa, nàng Chức Nữ và nàng Bân. Mỗi nàng một vẻ, mỗi người một nết. Lâm Cung công chúa khó bảo nên được giao cho cai quản miền rừng núi, trở thành Mẫu Thượng Ngàn; Quảng Cung công chúa xấu xí ma chê quỷ hờn giáng về miền địa ngục; Mặt Trời, Mặt Trăng kiêu sa mà kênh kiệu; Nàng Lúa tận tụy nhưng nghiêm khắc; Chức Nữ nặng tình nặng nghĩa; Nàng Bân vụng về mà hiếu thảo lại thương chồng… Mấy cô công chúa cứ sinh chuyện liên miên làm Vua cha Ngọc Hoàng phân giải đến thống khổ.
May thay, Ngọc Hoàng lại có thể tín cẩn nơi người công chúa cả uy nghi, quyền lực. Thanh Vân công chúa, ngự trên chín tầng mây, được Vua cha giao cho cai quản lục cung trên thiên đình nên còn gọi là Lục Cung vương mẫu. Bà được tôn là Mẫu Cửu Trùng Thiên, hay Mẫu Thượng Thiên, vị Thánh mẫu quyền năng đứng đầu Tứ phủ. Người con gái út, Liễu Hạnh công chúa, ban đầu tính tình ngang bướng, đành hanh mà nhân cớ đánh rơi chén ngọc, liền bị vua cha phạt đày xuống hạ giới. Tuy nhiên sau ba lần giáng sinh cứu khổ cứu nạn nhân gian, bà được sắc phong Địa Tiên Thánh Mẫu, Thánh Mẫu Thần Chủ, là một trong Tứ Bất Tử hiển thánh. Do Mẫu Cửu Trùng hiếm khi giáng đồng, nên về sau Liễu Hạnh còn được thay thế Thanh Vân đứng ngôi Mẫu Đệ nhất Thượng thiên, xứng danh vị Tiên chúa nức tiếng nhà trời. Theo hầu Mẫu Thượng Thiên còn có chư vị tiên thánh gồm Quan Lớn Đệ Nhất, Quan Lớn Điều Thất, Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên, Chầu Chín Cửu Tỉnh, Quan Hoàng Cả, Quan Hoàng Chín Cờn Môn, Cô Cả Thượng Thiên, Cô Chín Giếng, Cậu Hoàng Cả, vân vân… Công việc thiên đình lo không xuể nên xuôi về miền trời phương nam, Mẫu Cửu Trùng và Mẫu Liễu Hạnh lại phó thác quyền cai quản Thượng Thiên cho Thánh Mẫu Thiên Y A Na, một vị Mẫu bản địa với các danh xưng khác như Poh Nagar hay Bà Chúa Ngọc.
Vai vế chỉ dưới các Mẫu một bậc còn có Hưng Đạo Đại Vương và Công đồng Trần Triều của Ngài. Đức thánh Trần vốn là thiên tướng nhà trời giáng thế vì xã tắc, nay thác hóa cũng phụng mệnh Ngọc Hoàng, cùng gia quyến tiếp tục hiển linh giáng đồng phù hộ muôn dân.
NHẠC PHỦ
Nhạc phủ là miền rừng núi hoang vu hiểm trở, nơi cư ngụ của những tộc người đồng bào dưới sự bảo hộ của các vị sơn thần thổ địa. Quyền cai quản thuộc về Nhạc phủ Thần vương và con gái của ngài là Mẫu Thượng ngàn, trị vì mọi miền rừng rậm, sơn trang, chốn thổ tộc và miền linh dị.
Thần vương của miền Nhạc phủ là Vua cha Tản Viên Sơn Thánh, hay còn gọi là Sơn Tinh, vị sơn thần ngự trên đỉnh Tản Viên. Ngài cũng là một trong Tứ Bất Tử rất có tiếng nói trên Thiên đình, được dân chúng tôn thờ. Hai vị thần tướng luôn theo sát trợ lực ngài là nhị vị đại vương Cao Sơn và Quý Minh, vốn là anh em họ con chú của Đức Thánh Tản. Chư vị sơn thần, linh thú sơn lâm của mỗi ngọn núi con đèo đều quy phục về chốn Nhạc phủ của Đức thánh Tản Viên.
Cùng cai trị cõi sơn lâm còn có Mẫu Thượng Ngàn, vị Thánh mẫu Đệ nhị vốn xuất thân là con gái Ngọc Hoàng, danh xưng Lâm Cung công chúa, do tính tình khó bảo mà được Ngọc Hoàng sai xuống cai quản miền rừng núi. Mẫu Thượng Ngàn là nghĩa mẫu từng cứu mạng Sơn Tinh, chẳng may tử nạn trong đại chiến sơn thủy, tình sâu nghĩa nặng lại đầu thai làm con gái Tản Viên Sơn Thánh và Mị Nương Quế Hoa, đặt tên là La Bình. Vua cha và Thánh mẫu đều rất linh hiển, cai quản chư vị tiên thánh Nhạc phủ, bao gồm: Quan Lớn Đệ Nhị, Chầu Đệ Nhị, Chầu Năm, Chầu Lục, Chầu Bé, Quan Hoàng Đôi, Quan Hoàng Bảy, Cô Đôi Thượng Ngàn, Cô Bé, Cậu Hoàng Đôi, Cậu Bé Đồi Ngang, vân vân…
Đặc biệt, Mẫu Thượng Ngàn còn hóa thân thành ba hình tượng nữ thần: Lê Mại Đại Vương, Diệu Tín, Diệu Nghĩa. Nhạc mẫu khi đó trở thành Tam Tòa Sơn Trang, làm chủ tam thập lục động sơn trang gồm 12 chốn Mán, 12 chốn Mường, 12 chốn thổ tộc, 82 cửa rừng, 72 cửa biển. Dành riêng cho cõi Sơn Trang, bà tín nhiệm giao quyền bính cho Bát bộ Sơn Trang tướng quân. Theo hầu bà có Thập nhị tiên cô Sơn Trang. Chúa Sơn Trang cùng đất nước mở mang bờ cõi, thu nạp được nhiều vị tiên thánh của đồng bào bốn phương, sơn thần thổ địa miền xa lạ. Thần phục Chúa Sơn Trang có hội đồng chúa bói, chúa chữa, chúa Mường, gồm có Chúa Tây Thiên, Chúa Nguyệt Hồ, Chúa Lâm Thao, Chúa Thác Bờ, Chúa Giao Long, Chúa Cà Phê, Chúa Ngũ Phương Ngũ Hành, Chúa Kho, Chúa Mọi, Chúa Ba Nàng, Chúa Then… Hội đồng Chúa Bà vốn là các tiên chúa của người đồng bào, nay thần phục Chúa Sơn Trang, mỗi vị được giao cho cai quản một địa phương riêng lẻ, chuyên bói lộc, chữa bệnh cho dân.
Dĩ nhiên, không phải tiên chúa phương nào cũng thần phục Chúa Sơn Trang. Phần lớn thần linh chốn sơn lâm như Bàn Hồ của người Dao, Bà Jung của người Giarai… dù kết tình hữu hảo nhưng vẫn đứng ngoài cõi Nhạc phủ. Đối với thần thánh bốn phương, Chúa Sơn Trang kết nghĩa anh em đồng bào, khi đất nước gặp lâm nguy chỉ cần Sơn Trang cất tiếng hiệu triệu tức thì huynh đệ núi rừng nhất tề trợ lực.
Nhạc phủ là một cõi tuy hoang sơ nhưng đầy tiềm lực, sở hữu hàng vạn thần binh thần tướng, những linh thú miền núi rừng như thần Hổ, thần Ngựa, thần Voi… Bằng sức mạnh hào hùng của núi rừng, chư vị Nhạc phủ tiên thánh đã nhiều lần đánh bại bè lũ yêu ma: Mộc Tinh Xương Cuồng, Chằn Tinh, Xà Tinh…, nhiều lần phò trợ vua quân Đại Việt đánh đuổi quân xâm lăng và trợ lực Nhạc phủ Thần vương trong trận chiến long trời lở đất hàng năm với Thủy Tinh và hàng vạn thủy binh miền Thoải phủ.
===================
Chú thích:
Diễn giải bài viết, Epic đã đề cập tới hai vị đứng đầu Nhạc phủ là Tản Viên Sơn Thánh và con gái là Mẫu Thượng Ngàn, dưới quyền cả hai là các cấp bậc tiên thánh Đạo Mẫu thuộc Nhạc phủ. Tản Viên Sơn Thánh còn cai quản các sơn thần trong tín ngưỡng dân gian (Đồng Cổ sơn thần, Cao Sơn đại vương, Quý Minh đại vương…); Mẫu Thượng Ngàn còn hóa thân thành Chúa Sơn Trang hay Tam Tòa Sơn Trang để cai quản ban Sơn Trang gồm các vị chúa bản cảnh của các tộc người miền núi phía Bắc được Tứ phủ hóa. Ngoài ra còn có các thần động vật như những nơi thờ hổ, ngựa, voi, rắn…
Ngoài ra, ở vùng núi rừng còn có các vị thần của các dân tộc đồng bào khác, tuy nhiên khác với ban Sơn Trang, các vị thần này không thuộc Tứ phủ.
THOẢI PHỦ
Thoải phủ là miền nước, trải dài từ sông hồ ra biển cả, là nguồn cội của thứ quyền lực hết sức lớn lao và cổ xưa. Dưới đáy tầng nước sâu thẳm ẩn giấu những điều kỳ bí linh dị, có thể là thủy cung tráng lệ của các vị thần, cũng có thể chứa hang ổ của loài thủy quái man rợ.
Miền bát hải có nhiều bậc quân vương cai trị, nhưng được tôn kính bởi hết thảy là Quốc tổ Lạc Long Quân, đấng thần long tổ tiên của muôn dân Bách Việt. Sau cuộc chia ly với Quốc mẫu Âu Cơ, ngài mang 50 người con xuống biển, ngự tại cung điện nguy nga dưới đáy Đông Hải cùng Thái thượng hoàng Kinh Dương Vương. Bốn ngàn năm đã trôi qua, nhưng trái tim già cỗi của đức Long Quân vẫn luôn dõi theo phù hộ cho con dân Bách Việt.
Đông Hải quá đỗi bao la, lại thêm vùng nội thủy sông hồ Long Quân hiếm khi đặt chân tới, do vậy Long Quân còn phó thác ngôi Thần vương cai trị miền Thoải phủ cho người con trai Vĩnh Công, hay chính là Vua cha Bát Hải Động Đình. Ngài là vị Long vương chủ quản muôn loài thủy sinh, thủy binh thủy tướng; trong khi con gái Vua cha là Mẫu Đệ tam Thoải phủ Xích Lân Long Nữ công chúa cai quản chốn sông ngòi. Các vị hoàng tử con trai Long vương Bát Hải đều là những bậc thánh thần, hầu hết trở thành các Quan Lớn, Quan Hoàng không chỉ phụng sự cho Thoải phủ mà nhiều vị còn làm tướng của các miền Thiên, Nhạc, Địa (*). Ở lại Thoải phủ phụng sự trực tiếp dưới quyền Vua cha và Thánh mẫu có Quan Lớn Đệ Tam, Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh, Chầu Đệ Tam, Quan Hoàng Bơ, Cô Bơ Bông, Cậu Hoàng Bơ, vân vân…
Dưới trướng các bậc quân vương Thoải phủ lại có chư vị thủy thần cấp dưới. Sông hồ phương bắc có Thủy tề, một vị vua tốt bụng, cùng người con trai Thái tử liễu yếu đào tơ hay mắc bẫy, luôn phải nhờ ơn cứu mạng của các bậc anh hùng trượng nghĩa. Mỗi khi Thái tử được cứu, cha con Thủy tề lại ban bảo vật, tiết lộ thiên cơ giúp đỡ bậc anh hào. Kênh rạch phương nam lại có thần Hà bá, có lúc hiền hòa nhưng cũng có lúc nổi cơn thịnh nộ trút giận lên người dân, khiến con người ngoài kính trọng cũng phải muôn phần nể sợ. Lại có các vị giang thần cai quản sông hồ từng địa phương, mỗi vị chủ quản một vùng lãnh địa nhỏ hẹp như Bạch Hạc giang thần, Tô Lịch giang thần, Tam Giang nhị thánh,… Bà Thủy Long là một người phụ nữ Cao Miên thác hóa ngoài Cửa Cạn, được Long Quân thương tình phong làm Thủy Long Thánh Mẫu cai trị miền cù lao, hải đảo phương nam.
Sức mạnh của Thoải phủ không chỉ dựa vào các bậc thần linh tiên thánh, mà còn đến từ những linh thú miền sông biển được Long Quân và các đấng Vua cha, Thánh mẫu tuyển lựa, ban cho quyền phép. Thần Kim Quy nhiều lần được Long Quân sai lên bờ tặng bảo vật cho các đấng minh quân. Ngoài bể có Cá Ông, sông nước có Ông Sấu, Ông Nược, Lang Lại Tướng Quân,… thường xuyên cứu giúp dân chúng khỏi thiên tai bão tố.
Tuy nhiên, cõi đại dương còn là nơi ngự trị của một vị thủy thần quyền năng và nguy hiểm. Thủy Tinh, trước đây vốn là tướng của Long Quân, nhưng do mâu thuẫn với Sơn Tinh và Nhạc phủ, dã tâm trong hắn trỗi dậy. Từ đó hàng năm hắn vẫn trái lệnh Long Quân dâng bão tố, lũ lụt tàn phá dân lành để trả thù Tản Viên Sơn Thánh cho thất bại năm xưa. Hắn là chủ nhân của muôn loài thủy quái nguy hiểm: Ngư tinh, Thuồng luồng… thường phá phách nhân gian, buộc các vị sơn thần, thủy tướng phải nhiều lần ra tay trừng trị mà cũng chẳng thể nào dẹp yên. Hắn là một thế lực mà ngay cả Long Quân cũng chẳng thể xem thường!
===================
Chú thích:
Diễn giải bài viết, Epic đã đề cập tới một số nhóm thần nước Việt Nam. Một là, Quốc tổ Lạc Long Quân. Hai là, các thần trong tín ngưỡng Mẫu Tứ phủ thuộc miền Thoải: Vua cha Bát Hải Động Đình, Mẫu Đệ tam Thoải phủ cùng chư vị tiên thánh dưới quyền. Ba là, các thần sông nước địa phương, một số trong đó đồng thời cũng là các Thành hoàng (Tam Giang, Tô Lịch…). Bốn là, các thần động vật (Kim Quy, Cá Ông,…). Năm là, Thủy Tinh và các thủy quái miền sông biển.
(*) Rất nhiều Quan Lớn, Quan Hoàng là con của Vua cha Bát Hải, cho dù các vị đó thậm chí không thuộc Thoải phủ. Ví dụ Quan Lớn Đệ Nhất thuộc Thiên phủ, Quan Lớn Đệ Nhị thuộc Nhạc phủ, Quan Lớn Đệ Tứ thuộc Địa phủ, tất cả đều là con của Vua cha Bát Hải.