Thiền Sư Giác Hải

Đánh giá post

Thiền Sư Giác Hải
Nguyễn Giác Hải là một trong tam vị thiền sư nổi tiếng và có sức ảnh hưởng triều Lý, cùng với thiền sư Từ Đạo Hạnh và Quốc sư Nguyễn Minh Không. Ba vị là đồng môn thuở còn học đạo, ở một số chùa theo cấu trúc “tiền Phật hậu Thánh” (chùa Thầy, chùa Phúc Long, chùa Lý Triều Quốc Sư) còn được thờ chung với nhau, gọi là Tam thánh.

Thần tích về thiền sư Giác Hải khá đơn giản, khôngdài và li kì như hai vị đồng môn, tựu chung lại có mấy tích sau:

Thiền sư họ Nguyễn, tên huý Viết Y (có nơi chép Quốc Y), hiệu Giác Hải. Thuở nhỏ ông theo cha làm nghề đánh cá ở Hải Thanh (Nam Định), sau cắt tóc đi Tây Trúc học đạo cùng thiền sư Minh Không và Đạo Hạnh. Đắc đạo rồi, ông trở về Giao Thuỷ, làm trụ trì chùa Nghiêm Quang (chùa Keo Hành Thiện ngày nay).

Thời Lý Nhân Tông, sư thường cùng Thông Huyền chân nhân được triệu vào hầu chuyện vua ở chùa Liên Mộng. Hai vị, một nhà phật, một nhà đạo nhưng rất mực tôn trọng nhau, đều được vua mến mộ. Một lần đang hầu có đôi tắc kè gọi nhau inh tai nhức óc. Vua truyền Thông Huyền ngăn nó lại, Huyền nhẩm thần chú, lập tức một con rơi xuống nước. Vua cười bảo: “Một con còn lại, xin nhường sa môn”. Sư Giác Hải đọc chú, con còn lại cũng rơi xuống nốt. Vua kinh lạ, làm bài kệ rằng:

“Giác Hải lòng như hải
Thông Huyền đạo cũng huyền
Thần thông thêm biến hóa
Một phật, một thần tiên”

Đôi lần, vua Nhân Tông đích thân đến thăm chùa, hỏi sư: “Cái đạo ứng chân thần tiên, có thể cho trẫm nghe được không?”. Sư bèn đọc kinh tám lần, bay vút lên không rồi lại rơi xuống. Vua và các quần thần đều kính phục, ban cho kiệu ra vào cung cấm. Các sư đồng đạo cũng vô cùng trọng vọng.

Lúc sắp viên tịch, thiền sư Giác Hải làm bài kệ chúng:

“Xuân lai hoa điệp thiện tri thì
Hoa điệp ưng tu tiện ưng kỳ
Hoa điệp bán lai giai thị ảo
Mạc tương hoa điệp hướng tâm tri”

(Xuân tới hoa bướm đều biết, hoa bướm cũng phải lựa theo thời tiết. Hoa bướm xưa nay vốn là mộng ảo, cớ sao phải giữ mãi chuyện hoa bướm trong lòng)

Đêm đó có ngôi sao lớn rơi ở góc tây nam phương trượng. Sáng hôm sau sư ngồi ngay thẳng mà tịch. Vua xuống chiếu cho 30 hộ phụng thờ hương khói, phong hai con trai của sư làm quan để thưởng công. Ngày 4 tháng Giêng hàng năm giỗ sư Giác Hải, làng Yên Vệ (Ninh Bình) nơi có chùa Phúc Long lại tổ chức lễ hội làng, sau khi tế thánh có thi đấu vật.

Facebook