Thiền Sư Nguyễn Bình An

Đánh giá post

Thiền Sư Nguyễn Bình An

Việt Nam có nhiều thần tích về những vị chân sư nhiều phép lạ, được nhân dân thờ phụng, tôn là các vị Thánh, thờ trong các ngôi chùa có cấu trúc “tiền Phật hậu Thánh”. Epic đã từng viết bài kể về tam vị thiền sư triều Lý: Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không và Giác Hải. Sau đây, xin giới thiệu một vị thiền sư triều Trần – Đức Thánh Bối Nguyễn Bình An, nay được thờ phụng ở chùa Trăm Gian nổi tiếng tại Chương Mỹ, Hà Nội.

Tương truyền, cha ngài họ Nguyễn người làng Bối Khê, còn mẹ Ngài họ Trần ở làng Bùi Xá, hạ sinh ngài năm Tân Tỵ (1281). Ngài có lòng từ tâm, hướng Phật từ nhỏ, đến khi tu hành lấy hiệu là Đức Minh và tự là Bình An. Năm lên bảy tuổi thì ngài mồ côi cha mẹ, đến ở trong nhà cô, qua năm sau lại ở nhà cậu ruột tại làng Bùi Xá. Nhà cậu ruột ngài ở gần chùa, nên ngài thường lui tới thăm viếng vãn cảnh chùa và lắng nghe những bài kinh Phật. Ngài ham học, ham đọc kinh, lớn lên trở thành người học rộng tài cao, từ bi đại lượng, ai nấy đều kính nể.

Rồi ngài vân du bốn phương, tới chùa Tràng An tu mười năm thì đắc đạo, luyện được phép thần thông lục chí. Một lần vào chùa Hương Tích gặp Long Vương lại học được phép đảo vũ. Gặp năm đại hạn, vua Trần Anh Tông vời ngài về Thăng Long làm lễ cầu mưa. Chỉ nội trong ba ngày đêm, mưa gió nổi lên vần vũ. Nhà vua đem lòng cảm kích, phong cho ngài bốn chữ “Đức Minh chân nhân”.

Đang ở kinh đô, nhận được tin sư trưởng quy tiên, ngài xin về chịu tang. Tới bến đò Đồng Dương thì trời xẩm tối, lại có tiếng hổ gầm khiến những người chờ đò hốt hoảng. Thấy vậy, thiền sư liền đọc chú, bỗng có chiếc thuyền nổi lên đưa mọi người qua sông. Mọi người liền khấn vái tạ ơn ngài. Trở về Tiên Lữ, thấy chùa cũ nát, ngài liền cho hưng công, gọi là chùa Quảng Nghiêm hay chùa Trăm Gian, có kiến trúc 100 gian rất độc đáo vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.

Lại có những lần khác ngài thực hiện phép lạ khiến người dân hết sức nể phục. Nấm mồ của cha mẹ không có bia, ngài liền hóa phép cho bia mộ hiện lên từ đất đen. Có lần thợ thuyền về xây chùa đông quá, mà chùa thiếu gạo, thiếu cà. Ngài liền bảo người nhà chùa cứ thổi cơm, rồi ngài đi mây về gió tới Bối Khê xin cà muối, về tới nơi cơm cũng vừa cạn. Tương truyền ngài đi nhanh quá, giữa đường có một quả cà rơi xuống đất lún thành giếng Âm tại Bình Đà. Tưởng cơm ít, cà thiếu, ấy vậy mà thế nào, ngài xới cơm ra từ niêu đủ 100 rá, bày cà muối đủ 100 đĩa, thế là được 100 mâm cơm chay, cứ xới lại đầy, khiến ai nấy đều kinh ngạc.

Năm thiền sư Nguyễn Bình An 95 tuổi, thấy số trời đã hết, ngài liền tự nằm vào khám, dặn học trò đúng 100 ngày mở ra thấy thơm thì để nguyên đấy mà thờ, nhược bằng tanh dơ thì mang ra sau chùa an táng. Y hẹn, mới được ba tuần đã thấy từ trong khám mùi thơm ngào ngạt, hào quang toả sáng cả núi rừng. Vì ân đức của ngài tỏa khắp một vùng, nên lúc đó hai làng Tiên Lữ, Bối Khê còn tranh nhau giành khám ngài đem về thờ. May có cụ già lạ mặt đi qua lựa lời phân giải, từ đó hai làng kết nghĩa an hem, cùng chung bát phù hương thờ ngài. Còn khám của ngài đặt lại chùa Trăm Gian, thiền sư Nguyễn Bình An được phong làm Đức Thánh Bối.

Sau khi ngài viên tịch, đức anh linh của Thánh vẫn thường phù hộ cho dân chúng. Tương truyền, vua Trần hiếm muộn, đến chùa ngài cầu tự, quả nhiên sinh được hoàng tử, liền phong ngài là Thượng đẳng tôn thần. Sau giặc Minh xâm lược đốt chùa, nhưng khám Thánh vẫn còn y nguyên. Lại có ông cụ hiện ra bảo: “Muốn đốt khám Thánh phải mang ra tảng đá giữa đồng, quấn bấc tẩm dầu vào mà đốt”. Chúng tin lời làm theo, ai ngờ lửa nổi lên hóa thành trận cuồng phong, mưa gió vần vũ. Nước đỏ như máu đổ xuống, khiến cho cả vùng nước đỏ mênh mông, đường sá lầy lội. Giặc Minh bị bệnh dịch, chết như ngả rạ, những tên còn sống thì chân tay bải hoải, đi lại liêu xiêu. Nhờ vậy mà trận Mai Lĩnh – Ninh Kiều, quân Minh đại bại. Dân gian gọi điềm đó là “hỏa thiêu, vũ huyết” (nắng lửa, mưa máu).

#Baldur

Facebook