Quan Lớn Đệ Lục
Ông vốn tên là Phùng Hưng, quê ở Giao Châu, xuất thân trong gia tộc cao quý, cha ông là Phùng Hạp Khanh đã từng tham gia khởi nghĩa cùng Mai Thúc Loan chống quân cướp nước. Lớn lên, ông nối nghiệp thân phụ làm Hào trưởng ở xứ ấy, dân làng mắc nạn gặp hổ dữ làm càng, giết người vô số. Sẵn tính anh minh tài giỏi hơn người ông đã giúp làng lập mưu giết hổ. Vào thuở nhà Đại Đường đô hộ nước ta, Cao Chính Bình là tên tham quan thường vơ vét của cải người dân, đưa ra hàng trăm thứ thuế, lòng dân căm phẫn. Phùng Hưng chiêu mộ binh sĩ đứng lên chống lại Cao Chính Bình, bao vây xung quanh thành trì, Chính Bình chống trả lâu ngày vẫn không thắng được sinh bệnh vàng da mà chết. Phùng Hưng về sau được suy tôn là Bố Cái Đại Vương, trở thành vị Quán Lớn thứ sáu trong Đạo Mẫu. Quan Lớn Đệ Lục theo hầu Vua Cha Địa Phủ, khi về đồng ông mắc áo đai đen, khai quang và ngự tửu.
Quan Lớn Điều Thất
Còn gọi là Quan Điều Đào Tiên, ngài là thủ phủ đền Đồng Bằng, là con trai thứ bảy của Đức Vua Cha Bát Hải. Ngài là vị văn quan được giao nhiệm vụ biên sổ, coi giữ kho tàng ở Thủy cung, trông coi nội điện của Vua Cha.Khi xưa Ngài theo đức Vua Cha Bát Hải Động Đình Vĩnh Công Đại Vương phù giúp Hùng Vương đánh giặc. khi hoàn thành nhiệm vụ Ngài liền hóa ngay. Quan Điều Thất không giáng trần nhưng Ngài vẫn thường hiển linh phù giúp dân nước nên nhân dân lập đền thờ, các triều đại có sắc phong, Đền Ngài là đền Công Đồng. Ngài ngự đồng mặc áo đai mạng đỏ, tấu hương khai quang và phất cờ.
Quan Lớn Điều Bát
Ông tên là Thạch Duồng, người Khmer ở Trà Vinh làm giúp việc trong phủ chúa, vì trung thành và lập nhiều công nên được ban cho họ Chúa lấy tứ danh là Nguyễn Văn Tồn. Sau khi cùng Chúa Nguyễn trở về từ Bangkok, ông được giao trấn giữ Trà Vinh và Mân Thít, hết sức chăm lo dân lành khai khẩn đất hoang, phát triển giao thương. Sau đó ông cùng Thoại Ngọc Hầu và Lê Văn Duyệt đào con kênh dài từ Châu Đốc tới tận Hà Tiên, kênh đặt theo tên của bà Châu Thị Vĩnh Tế (phu nhân ông Thoại Ngọc Hầu) là người phụ nữ đức hạnh, cùng chồng góp nhiều công trạng, xây dựng miếu bà Chúa Xứ nức tiếng linh thiêng. Con kênh mở mang kinh tế, lợi lộc mùa màng, dân chúng ăn nên làm ra vô cùng biết ơn. Về sau, ông lao tâm lao lực nên sức lực suy tàn mà qua đời, Chúa sắc phong Trung đẳng thần, hàm ân Trung Dũng Thiên Trực, tước Dung Ngọc hầu tức Thống Chế Điều Bát. Khi thác ông trở thành vị Quan Lớn thứ tám, ngự trong nội phủ Vua Cha Nhạc Phủ.
Quan Lớn Triệu Tường
Ông chính là Nguyễn Hoàng tức Chúa Tiên Nguyễn Thái Tổ, vị chúa đầu tiên của triều nhà Nguyễn. Cha ông là đại thần Nguyễn Kim của nhà Hậu Lê, Trịnh Kiếm tức là anh rể của ông. Về sau Trịnh Kiểm ăn cháo đá bát, giở trò phản bội giết Nguyễn Kim và Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng bỏ vào phía Nam trấn thủ Thuận Hóa. Về sau nhiều lần ông đem quân ra Bắc đánh đuổi quân giặc, thế nhưng họ Trịnh không những không biết ơn lại còn mưu đồ xảo trá. Nguyễn Hoàng dẫn binh về Thuận Hóa, từ đó Nam Bắc phân tranh, Chúa Nguyễn và Chúa Trịnh mỗi người một cõi. Ở vương triều của ông, dân chúng ấm no thịnh trị, bờ cõi mở rộng về phía Nam và lập ra vùng Nam Bộ Việt Nam ngày nay. Quan lớn Triệu Tường ngự đồng mặc áo đai mạng màu vàng, tấu hương, khai quang rồi múa cờ.
Quan Lớn Bắc Quốc
Tương truyền ông là người Trung Hoa, họ Tống, sinh vào thời cuối nhà Minh đầu nhà Thanh. Khi người Mãn ở phía Bắc chiếm đất Trung Nguyên, lật đổ Đại Minh lập ra nhà Mãn Thanh, họ đàn áp và bắt người Hán phải theo phong tục của mình. Nhiều người Hán không chịu nổi cảnh bị man di bức ép, họ lên thuyền và di dân sang các nước khác để chuẩn bị cho phong trào “Phản Thanh Phục Minh” và trong đó có Việt Nam. Hầu hết dân tộc Hoa định cư tại Hội An và Sài Gòn nhưng một số chạy từ Trung Quốc xuống biên giới Lào Cai. Họ Tống định cư ở Lào Cai, tại đây ông giúp đỡ dân chúng mở mang mua bán, dạy cách trồng trọt thêm các loại hoa màu. Khi thác ông thường hiển linh phù hộ nhân dân an cư lạc nghiệp. Ông ngự đồng mặc áo Trường Bào Trung Hoa và buộc tóc đời Nhà Thanh. Ông múa quạt, ngâm thơ và uống trà, lại nói tiếng Quảng Đông.