Thuồng luồng

Từ vạn cổ xa xưa, dân gian ta đã lưu truyền những câu chuyện thần thoại liên quan đến thuồng luồng. Chúng được coi là những sinh vật khổng lồ và sở hữu sức mạnh vô biên.
Chúng ta đang nói đến loài quái vật mạnh mẽ và đáng sợ bậc nhất trong thần thoại dân gian Việt Nam. Địa hình Việt Nam vốn dĩ sông ngòi chằng chịt, không có gì ngạc nhiên khi loài thủy quái này trở thành một nỗi kinh hoàng của người Việt cổ sinh hoạt nơi sông nước.
Thuồng luồng, mà người phương Bắc gọi bằng cái tên mỹ miều hơn là “Giao long”, dễ làm người ta liên tưởng đến họ hàng nhà rồng. Thân hình to lớn khổng lồ, con nhỏ cũng dài ít nhất 3m, đầu to cỡ 1m, không cánh không sừng nhưng có 4 chân, thân có vảy cứng và bộ hàm đầy răng nhọn như một rừng gươm.
Thuồng luồng rất hung dữ, thường xuyên ăn sạch cá trong vùng, có thể tạo sóng to, đánh lật thuyền, ăn thịt người như cơm bữa, chính vì vậy mà người Việt cổ thường có tục xăm “tha thu” lên người để thuồng luồng tưởng là đồng loại thủy tộc của nó, sẽ không làm hại (chứ không phải xăm tha thu để dọa thuồng luồng đâu nhá, nó có sợ khối, hehe). Tuy vậy, thuồng luồng lại có vẻ kiêng dè loài rùa, theo kinh nghiệm của những ngư dân thời xưa thì quanh nơi chăn thả cá, nếu có rùa gần đó thì thuồng luồng không dám làm loạn. 

Lại nói, thuồng luồng là loại thủy quái sống ở các vùng nước ngọt như sông hồ, kênh rạch. Chúng cũng thường xuyên đánh nhau để tranh giành địa bàn, đương nhiên những con mạnh hơn sẽ cai quản những con sông lớn, còn lũ yếu hơn phải trốn đến sống nơi ao tù nước đọng, âu cũng là cái lẽ thường trong xã hội muôn loài, như đại gia thì đương nhiên cưới được hoa hậu còn “trung bình” gia thì chỉ cưới á hậu thôi vậy. Tuy thân phận thấp kém hơn loài rồng nhưng thuồng luồng hoàn toàn có cơ hội “đổi đời”. Tương truyền sau khi tu luyện 500-1000 năm, thuồng luồng hoàn toàn có thể hóa rồng, bay lên thiên giới (kiểu thi đỗ đại học để thoát khỏi lũy tre làng). Những con tu vị kém, duyên phận mỏng, không thể thành loài rồng cao quý trên trời thì chấp nhận ở lại tiếp tục cai quản sông hồ hoặc bơi ra biển, trở thành thần dân của long vương.

Thuồng luồng là loài sinh vật mang tính thần thoại nhưng chúng cũng không ít lần xuất hiện trong các tài liệu lịch sử. Lần đầu tiên có thể kể đến có lẽ là vào thời đại của vua Hùng, tức là hàng ngàn năm trước.

1. Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, phần Ngoại kỷ – Hồng Bàng, An Dương Vương, có đoạn:

“…Vua các đời đều gọi là Hùng Vương. Bấy giờ dân ở rừng núi thấy ở sông ngòi khe suối đều có tôm cá, nên rủ nhau đi bắt cá để ăn, thường bị thuồng luồng làm hại, đến thưa với vua.

Vua nói: “Người man ở núi khác với các loài thủy tộc; các thủy tộc ấy ưa cùng loài mà ghét khác loài, cho nên mới bị chúng làm hại. Rồi vua bảo mọi người lấy mực vẽ hình thủy quái ở mình. Từ đấy thuồng luồng trông thấy không cắn hại nữa. Tục vẽ mình của người Bách Việt có lẽ bắt đầu từ đấy”.

Thuồng luồng - Sinh vật thần thoại hùng mạnh bậc nhất trong dân gian Việt Nam - Ảnh 4.

Như vậy có thể thấy, dường như tập tục xăm mình của người Việt thời xưa xuất phát từ nỗi sợ hãi đối với thuồng luồng mà ra. Những hình xăm này chính là vũ khí để họ vượt qua, chiến thắng được nỗi ám ảnh các thế lực vô hình.

2. Cũng trong Đại Việt Sử ký toàn thư, bản kỷ 6, nhà Trần (1294-1329), có ghi:

“Thượng hoàng có lần ngự cung Trùng Quang, vua đến chầu, quốc công Quốc Tuấn đi theo. Thượng hoàng nói:

“Nhà ta vốn là người hạ lưu (thủy tổ người Hiền Khánh), đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc”.

…Quốc phụ có xăm hình rồng ở đùi, mà về sau nối ngôi không xăm ở đùi nữa là bắt đầu từ Anh Tông.

Lại hồi quốc sơ, quân sĩ đều xăm hình rồng ở bụng, ở lưng và hai bắp đùi, gọi là “thái long” (rồng hoa).Vì khách buôn người Tống thấy dân Việt ta xăm hình rồng, lỡ gặp gió bão thuyền đắm, thuồng luồng không dám phạm tới, cho nên gọi là “thái long”.

Từ đó, có thể thấy, việc xăm hình để “khắc chế” thuồng luồng nói riêng hay những tai ác từ sông nước nói chung được kế thừa và công nhận trong hơn 1000 năm, mãi đến thời vua Trần Anh Tông (1293-1314) mới chấm dứt.

Thuồng luồng - Sinh vật thần thoại hùng mạnh bậc nhất trong dân gian Việt Nam - Ảnh 5.

Ở một góc nhìn khác, chúng ta có thể thấy rằng, tục xăm mình trên tồn tại là do nỗi sợ sông nước mang tính vô thức, mà cụ thể ở đây là thuồng luồng của người Việt xưa. Và tục lệ đó cũng chấm dứt khi mà ở triều Trần, sức mạnh thủy quân của chúng ta đạt đến đỉnh cao.

Ngoài ra, không chỉ xuất hiện nhiều trong các tài liệu cổ, thuồng luồng còn được nhắc đến trong vô số các thần thoại, các câu chuyện dân gian.

Tuy là đại diện cho nỗi khiếp sợ sông nước sâu thẳm của con người xưa, nhưng thuồng luồng ngoài xuất hiện trong những sự tích về anh hùng diệt quái ( như Lạc Long Quân diệt thuồng luồng hay một vài sự tích của dân tộc Thái) thì cũng có một số truyền thuyết về loài thuồng luồng cứu giúp dân lành như sự tích con thuồng luồng ở Hồ Tây hay câu chuyện về người học trò bí ẩn của Chu Văn An trong Lĩnh Nam chích quái… các bạn có thể tìm đọc dể hiểu thêm về loài sinh vật huyền thoại đầy mạnh mẽ và đáng sợ trong dân gian này.

Cho đến nay, vẫn còn vô cùng nhiều những tranh cãi liên quan đến việc thuồng luồng thực chất là loài vật nào.

Có người cho rằng đó là một loài rắn vô cùng lớn, giống loài Trăn anaconda nhưng to hơn nhiều lần. Cũng có nơi lại nói đó là loài cá sấu khổng lồ hay sinh sống ở những đầm lầy, sống nước.

Thuồng luồng - Quái vật đáng sợ nhất dân gian Việt Nam thực chất là con gì? - Ảnh 4.

Ngoài ra, thuồng luồng còn được liên tưởng đến loài giải khổng lồ (giải là tên thường gọi của loài ba ba cỡ lớn, hay phân bố tại miền Bắc của Việt Nam), hay sinh sống tại các con sông lớn.

Nhưng trên thực tế, đó vẫn chỉ là những suy đoán từ dân gian. Vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào cho giả thuyết thuồng luồng là một loài động vật có thật.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *