Nếu chỉ xét về việc kiếm tiền và đánh bóng thương hiệu thì T1 vẫn còn thua xa các tổ chức Esports Bắc Mỹ, Châu Âu.
Trong bối cảnh khó khăn như hiện tại, việc các tổ chức Esports lớn trên thế giới duy trì được giá trị thương hiệu có thể nói đã là một điều thần kì. Thậm chí, các tổ chức Esports lớn còn cho thấy mình có thể phát triển một cách vô cùng mạnh mẽ về giá trị thương hiệu bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.
Và cách đây ít giờ, tạp chí Forbes danh tiếng của Mỹ đã công bố top 10 tổ chức Esports có giá trị lớn nhất thế giới, tính tới hết tháng 4 năm 2022. Theo tính toán từ tạp chí Forbes danh tiếng của Mỹ, giá trị trung bình của top 10 Esports lớn hiện rơi vào khoảng 353 triệu USD. Con số này đã tăng 46% so với năm 2020 và cho thấy Esports đã “sống khỏe” ra sao dù phải đối đầu với dịch bệnh. Bảng xếp hạng cụ thể:
1. Team SoloMid: 540 triệu USD, tăng 32% so với năm 2020.
2. 100 Thieves: 460 triệu USD, tăng 142% so với năm 2020.
3. Team Liquid: 440 triệu USD, tăng 42% so với năm 2020.
4. FaZe Clan: 400 triệu USD, tăng 31% so với năm 2020.
5. Cloud9: 380 triệu USD, tăng 9% so với năm 2020.
6. G2 Esports: 340 triệu USD, tăng 94% so với năm 2020.
7. Fnatic: 260 triệu USD, giữ nguyên so với năm 2020.
8. Gen.G: 250 triệu USD, tăng 35% so với năm 2020.
9. NRG Esports: 240 triệu USD, tăng 55% so với năm 2020.
10. T1: 220 triệu USD, tăng 47% so với năm 2020.
Mặc dù trong vài tháng trở lại đây, Team SoloMid có vướng phải nhiều drama vì ông chủ Reginald nhưng khó mà có thể phủ nhận rằng đây là một tổ chức cực kỳ lớn. Với việc được xây dựng thương hiệu một cách quá bài bản trong 10 năm liền thì TSM luôn sở hữu lương fan đông đảo tại Bắc Mỹ, sẵn sàng mua các sản phẩm của tổ chức này bất kể họ thi đấu tệ ra sao. Một tổ chức cũng hoạt động theo kiểu như này và đang thành công nhanh chóng đó chính là 100 Thieves.
Thật khó tin nhưng dù mới đầu tư vào DOTA 2 vài tháng, TSM đã có chức vô địch khu vực đầu tiên
Trong khi đó 2 tổ chức được coi là “dậm chân tại chỗ” về khoản giá trị thương hiệu thật bất ngờ thay lại là Cloud9 và Fnatic. Có thể nói C9 là tổ chức có nhiều bản hợp đồng “hớ” nhất trong vài năm trở lại đây của làng LMHT khi họ đem về những cái tên quá thiếu hiệu quả với giá trị đắt đỏ như Perkz, Broxah… Trong khi đó vấn đề của Fnatic là họ để mất một tuyển thủ mang tính biểu tượng là Rekkles nên khó lòng mà gia tăng giá trị thương hiệu.
Việc Rekkles rời Fnatic đã khiến tổ chức này khó lòng phát triển về mặt giá trị thương hiệu
Về phần T1 thì dù vẫn có một chỉ số tăng trưởng tốt (47%) nhưng quả thật khi so về khả năng kiếm tiền, xây dựng thương hiệu thì họ vẫn còn tỏ ra kém xa so với các tổ chức phương Tây. Ngoài ra thì việc chỉ có một mình đội LMHT của T1 là có thành tích nổi bật khiến cho tổ chức này vẫn chưa thực sự bứt phá về mặt doanh thu hay giá trị thương hiệu.
T1 vẫn giữ được tốc độ phát triển ổn nhưng giá trị vẫn khó mà so sánh được với các tổ chức phương Tây
Theo GameK