Truyền thuyết Đại Vũ trị thủy

Đánh giá post
Truyền thuyết Đại Vũ trị thủy
Theo truyền thuyết, vào thời vua Nghiêu, thiên tai lụt lội xảy ra quanh năm. Nhà vua giao trọng trách trị thủy cho một đại thần là Cổn. Cổn kiên trì đắp đê ngăn lũ suốt 9 năm ròng nhưng vẫn không ngăn được lụt lội.

Sau đó, Cổn nghe nói trên thiên giới có loại đá Tức Nhưỡng, có thể ngăn được nước lũ, ông bèn lén lên trời lấy trộm một mảnh mang về. Khi ném Tức Nhưỡng vào dòng nước, mảnh đá cứ phình ra to mãi, cho đến khi to bằng cả quả núi lớn, ngăn chặn dòng nước lũ, vậy là trị được hồng thủy. Tuy nhiên, Thiên Đế nhanh chóng phát hiện ra việc này, giận lắm mới sai thần lửa Chúc Dung xuống trần bắt Cổn đem xử tử, lấy lại đá Tức Nhưỡng, khiến nhân gian lại chìm trong lụt lội.

Sau khi chết, thân thể của Cổn không bị mục rữa. Thiên Đế e sợ điềm chẳng lành, sai thuộc hạ rạch bụng Cổn ra, thì từ trong bụng ông có một con rồng bay ra. Con rồng đó tương truyền chính là Đại Vũ, con trai của Cổn. Thi thể của Cổn thì sau đó hóa thành con rùa 3 chân, lặn sâu xuống nước.

Lại nói, bấy giờ là thời của vua Thuấn, Đại Vũ đã khôn lớn, nhà vua giao trọng trách cho Đại Vũ tiếp nối sự nghiệp còn dang dở của Cổn.
Đại Vũ đã đi khảo sát trên khắp Trung Quốc cùng với sự trợ giúp của những vị Thần núi. Trong cuốn “Xuân Thu” có ghi chép rằng, ông đã gặp được một bàn cờ ngọc cùng 12 cuốn sách mô tả chính xác không chỉ địa hình bề mặt của Trung Quốc, mà còn cả những gì ở bên dưới lòng đất.

Khâm phục lòng quyết tâm của Đại Vũ và xúc động trước những khổ đau của con người, Dao Cơ, người con gái thứ 23 của Tây Vương Mẫu, đã quyết định giúp đỡ Đại Vũ. Cô đã trao cho Đại Vũ hai cuốn cổ thư đặc biệt có thể xua đuổi tà ma và cho phép Đại Vũ khẩn cầu các vị Thần linh đến giúp đỡ.

Thiên Đế cũng đã nghĩ lại, ban đá Tức Nhưỡng cho Đại Vũ trị thủy. Tuy nhiên, Đại Vũ lại cho rằng việc trị thủy thì phải trị tận gốc, tức là phải đánh bại thủy thần Cộng Công – thế lực gây ra lụt lội. Ông soái lĩnh chư thần thiên giới, đánh một trận với thủy thần Cộng Công, lại giết được cả quái vật Tương Liễu – mình rắn 9 đầu, thủ hạ thân tín của Cộng Công.

Sau khi đánh thắng thủy thần, Đại Vũ mới ném đá Tức Nhưỡng xuống dòng nước dữ, đất đai, núi non mọc lên từ đó. Thế nhưng, các dòng sông vẫn không chảy theo hướng ổn định, Đại Vũ cho rằng phải khai thông dòng chảy cho chúng. Vậy là bắt đầu với sông Hoàng Hà – con sông được cho là quan trọng nhất trong tâm thức người Trung Quốc cổ. Sông Hoàng Hà tương truyền bắt nguồn từ núi Côn Luân thần thánh, chảy đến một núi là Tích Thạch thì bị chặn lại. Đại Vũ đào hang xuyên qua núi, khơi thông dòng chảy cho Hoàng Hà. Kế đó lại đến núi Long Môn chặn dòng chảy, Đại Vũ lại dùng phép thần, chẻ đôi ngọn núi để sông có đường đi qua, nói về kĩ năng giải tỏa mặt đường, thực sự là ông tổ.
(Tương truyền về sau, lũ cá chép nếu chịu khó bơi ngược sông Hoàng Hà, vượt qua được Long Môn này, chính là có cơ hội thoát kiếp làm cá mà hóa rồng).

Cứ như thế, Đại Vũ tiếp tục mở núi, khai thông thủy lộ cho Hoàng Hà chảy ra đến tận Đông Hải, giảm hẳn lụt lội thiên tai. Sau đó ông lại tiếp tục bôn ba khắp thiên hạ, khai mở các con sông khác.

Sau nhiều năm, Đại Vũ đi khắp gầm trời, hoàn thành nhiệm vụ mở đường cho tất cả các dòng sông. Đến lúc này, ông toàn thân đầy thương tích, dung mạo bị hủy hoại, sức đi không nổi mà phải lết, lông tóc rụng gần hết, thân hình teo tóp. Đổi lại, nhờ công lao to lớn của Đại Vũ mà thiên hạ thái bình, dân chúng an cư lạc nghiệp. Đại công cáo thành, Đại Vũ đánh xe lên đỉnh Chung Sơn, làm lễ tế cảm tạ Thiên Đế và chư thần giúp sức, về sau được kế thừa lại ngôi vua từ vua Thuấn.

Facebook