Tu Hoa Sắc Mỹ Nhân: Dương Quý Phi

Quý Phi tên thật là Dương Nguyệt Nhi sau đổi là Dương Ngọc Hoàn, theo truyền thuyết lúc mới sinh ra trên tay nàng đã có đeo sẵn một vòng ngọc nên phụ mẫu đặt tên Ngọc Hoàn. Nàng được miêu tả là mỹ nhân có vẻ đẹp quốc sắc thiên hương ví là tu hoa (khiến hoa phải hổ thẹn). Năm 17 tuổi, Ngọc Hoàn được Võ Huệ Phi (lúc này Đường Minh Hoàng không có hoàng hậu vì ông chỉ sủng ái nhất là Vỏ Huệ Phi, tiếc thay bà có dòng dõi với Võ Mị Nương đời trước nên không thể phong hoàng hậu) cho tiến cung làm vợ hoàng tử thứ 18 Thọ vương Lý Mạo, con trai của vua Lý Long Cơ Đường Minh Hoàng. Khi ấy Lý Mạo tuy yêu thích vẻ đẹp nhưng lại còn quá nhỏ, chỉ ngắm nghía mà thôi, Ngọc Hoàn lúc này lại như hải đường vừa chớm nở, mơn mởn và tươi trẻ. Lúc Võ Huệ Phi mất, Lý Long Cơ ngày đêm đau buồn, hoạn quan Cao Lực Sĩ thấy Ngọc Hoàn dung mạo hơn người nên tìm cách để nàng ở bên cạnh Hoàng thượng. Cực kì thông minh, y sắp xếp cho Ngọc Hoàn xuất gia vào Tập Linh đài (nơi thờ Võ Huệ Phi) để lo hương đăng cầu nguyện cho hoàng hậu sớm siêu sinh. Sau đó y chọn con của vị Chiêu Huấn thay Ngọc Hoàn làm vợ hoàng tử, rồi cho nàng hoàn tục, đưa vào hầu hạ thiên tử. Chẳng mấy chốc, Lý Long Cơ say mê nàng, phong làm quý phi cực kì sủng ái, gia đình nàng cũng một bước mà thăng quan tiến chức, vinh hoa phú quý.

Nhân duyên tiền định:
Có chuyện kể rằng Đường Minh Hoàng rất kính ngưỡng Bát Tiên, trong một lần Bát Tiên hiển linh đã dẫn ông lên trời chơi một chuyến. Lúc đi qua cung Quảng Hàn, chứng kiến nhan sắc tuyệt mỹ của Hằng Nga, ông đã làm một bài thơ với nội dung không được tôn kính cho lắm. Lúc ấy Hằng Nga uống rượu đã hơi say, khi tỉnh dậy nhìn thấy bài thơ Đường Minh Hoàng làm quả thật không xem bậc tiên nhân như mình ra gì nên đã mang bài thơ đến trình lên Ngọc Đế. Ngọc Đế thấy vậy rất ư tức giận liền lệnh cho Thanh Long Tướng Quân thoát thai xuống trần làm An Lộc Sơn, kết thúc nhà Đường để mở ra một triều đại mới. Thái Bạch Kim Tinh thấy vậy e ngại liền bẩm tấu rằng Ngọc Đế không nên làm lớn chuyện, đúng rằng Lý Long Cơ xúc phạm đến tiên nhân là không đúng nhưng chính Người đã lệnh sẽ cho Đại Đường kéo dài 400 năm, nay chỉ mới 200 năm đã cho sụp đổ! Thế nhưng Ngọc Đế đã hạ chỉ, Thanh Long cũng đã hạ phàm, không thể thay đổi được. Thái Bạch Kim Tinh liền nghĩ ra kế cho Hằng Nga hạ phàm, đánh dấu bằng vòng ngọc, cho theo hầu vua Đường, để cho Thanh Long và Hằng Nga sẽ cùng náo loạn đời Đường, cho thiên hạ một phen hú vía. Đồng thời sai Bạch Hổ Tinh Quân hóa thai theo phò hộ nhà Đường, để họ không phải diệt vong quá sớm. Lúc Ngọc Đế hạ lệnh, Bạch Hổ không tiếp chỉ bởi hai lần hạ phàm ông đều đoản mạng, một lần sinh làm La Thành một lần sinh làm Tiết Lễ đều mới nhị tuần đã về trời lại. Thái Bạch Kim Tinh hứa sẽ làm rõ sổ sinh tử, kiếp này cho ông trường thọ, thế Bạch Hổ Tinh Quân mới chịu hạ phàm. Bạch Hổ chính là Quách Tử Nghi, về sau thọ 78 tuổi, không bệnh mà mất, biết trước giờ lâm chung. Chính quyết định này của thiên giới đã dẫn đến An Sử chi loạn. Vào giữa thời Đường Minh Hoàng, chính An Lộc Sơn và Sử Tư Minh xưng là Yên Đế tạo ra biến loạn, vua sai Quách Tử Nghi đích thân chinh chiến.

Quý phi vong mạng hay lưu lạc xứ người? :
Càng ngày Lý Long Cơ càng say đắm nàng, bỏ bê chính sự, toàn bộ giao cho Dương Quốc Trung_anh họ của quý phi. Quốc Trung một tay che trời, lộng quyền quá thể khiến lòng dân căm phẫn. Năm 755, An Lộc Sơn dấy binh tạo phản để giành ngôi lẫn mỹ nhân. Lúc vua cùng quý phi tháo chạy đến Tứ Xuyên, tam quân cho rằng chính do quý phi hồng nhan họa thủy, quyến rũ thiên tử đam mê tửu sắc, cũng chính nhan sắc đó mà An Lộc Sơn mới tạo phản. Bị ép vào đường cùng, Lý Long Cơ ban ba tấc vải trắng, chính tay Cao Lực Sĩ siết cổ quý phi. Nàng được chôn vội ở ven đường, không mộ phần an táng, nàng mất năm 38 tuổi. Có một vài giả thuyết cho rằng
chủ tướng Trần Huyền Lễ tính kế cùng Cao Lực Sĩ cho kẻ chết thay rồi ngầm hộ tống nàng lên thuyền sang Nhật Bản. Nhiều năm về sau, Đường Minh Hoàng sai người quay lai Mã Ngôi tìm thi hài quý phi nhưng chỉ thấy sót lại một túi thơm. Vua lệnh cho người sang Nhật tìm gặp được quý phi ở Yamaguchi, dâng lên món quả của thiên tử là hai bức tượng phật như lời cầu chúc bình an, nàng rút trâm cài đầu ra trao lại như quà đáp lễ và một mực không chịu về nước. Ngày nay, ngoài mộ Dương quý phi ở Thiểm Tây, Trung Quốc ra thì tại Nhật, tỉnh Yamaguchi cũng có một khu mộ tưởng niệm Dương quý phi, tượng phật Thích Ca Mâu Ni và tượng phật A Mi Đà vẫn tồn tại và được thờ đến nay. Ở Nhật vẫn tồn tại khá nhiều di tích về Dương quý phi, như ở chùa Yusen có bức tượng quý phi bằng gỗ được coi là cổ vật lâu đời, nhiều phụ nữ Nhật từng xưng là hậu duệ của quý phi trong đó có nữ diễn viên Yamaguchi Monmoe. Số khác lại bảo rằng nàng trốn sang Cao Ly (Hàn Quốc).

Góc Dương quý phi spa:
Tương truyền rằng Dương Quý Phi rất thường hay ăn đu đủ, uống canh đu đủ. Mọi người tưởng rằng đó chỉ là món ăn ưa thích nhưng thật ra đó là cách để nàng luôn gìn giữ vòng một săn chắc. Ngoài ra, để có một làn da đẹp nàng thường dùng đến nha đam để dưỡng ẩm làn da, người ta nói quanh mộ quý phi lúc xưa có mọc rất nhiều nha đam nhưng đây chỉ là lời đồn. Dương quý phi còn thường dùng sữa dê pha với tinh chất các loại hoa quý để tắm, nàng còn thường đến Ly Sơn để tắm suối nước nóng để giữ làn da mịn màng. Trong một lần sơ ý bị ngã, Dương quý phi để lại vết sẹo, khi sẹo lành hình dáng tựa búp sen khiến cho quý phi càng thêm cốt cách tiên tử. Về sau phụ nữ Trung Hoa thường vẽ thêm chấm tròn, bông hoa giữa trán gọi là chu sa cũng bắt nguồn từ tích này.

Epic xin chúc tất cả chị em phụ nữ tràn đầy niềm vui, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *