Tứ Phủ Thánh Cô

• Cô Tư Ỷ La

Cô Tư thờ tại đền Ỷ La là thánh cô theo hầu Mẫu Thượng Ngàn, ngoài ra Cô còn giáng hiện tại đất Tây Hồ nên còn có danh xưng là Cô Tư Tứ Tổng Tây Hồ. Cô rất hiếm khi về ngự đồng, tư liệu thần tích và lối hầu giá Cô Tư cũng ít được biết tới.

• Cô Năm Suối Lân

Cô Năm là tiên nữ chốn thiên cung giáng trần làm một thiếu nữ xinh đẹp người Nùng, hầu cận bên Chầu Năm Suối Lân khi Chầu Bà còn đương lúc sinh thời. Sau này thác hóa cô vẫn theo hầu Chầu Năm tại bản đền Suối Lân, dùng phép anh linh cai quản dòng suối Lân bốn mùa trong xanh nước không bao giờ cạn. Người có bệnh tật đến xin nước suối cửa cô, uống vào sẽ thuyên giảm, nhược bằng kẻ nào không biết mà xuống suối tắm hay rửa chân tay, làm ô uế dòng suối sẽ bị cô hành cho mê sảng. Những kẻ lớn gan dám báng nhạo, cô sẽ “xát lá han” làm cho kẻ đó luôn ngứa ngáy không yên, rồi hóa phép cho đi rừng lạc mất lối về. Cô Năm về ngự đồng mặc áo màu xanh thiên thanh hoặc xanh lá cây ngắn vạt, chít khăn củ ấu, bên mình có túi vóc, dao quai, khai cuông rồi múa mồi.

• Cô Sáu Lục Cung

Cô Sáu Lục Cung, hay Cô Sáu Sơn Trang là tiên cô theo hầu Mẫu Thượng Ngàn và Chầu Lục Cung Nương, lúc sinh thời là thiếu nữ người Nùng ở đất Hữu Lũng, Lạng Sơn. Cô có tài chữa bệnh, thường đi khắp rừng sâu núi thẳm để hái thuốc cứu người, do vậy mà sau khi thác hóa cô được người dân tôn thờ, tin rằng có tài chữa bệnh cứu người nên thường tới cửa cô xin thuốc tiên trị bệnh. Cô Sáu cũng nổi tiếng đành hanh trên đời, nghiêm khắc trừng trị kẻ nào nhạo báng cửa cô. Cô ngự đồng thường mặc áo lam hoặc áo tím chàm ngắn vạt, khai cuông và múa mồi.

• Cô Bảy Kim Giao

Cô còn có danh xưng Cô Bảy Mỏ Bạch, theo hầu Chầu Bảy Kim Giao. Ở Tân La cũng có Cô Bảy Tân La theo hầu Chầu Bảy Tân La. Lúc sinh thời cô là thiếu nữ tộc Mọi, sau khi thác hóa thường hiển linh dạy người Mọi trồng trọt chăn nuôi, lại giúp dân ta đánh giặc ngoại xâm phương Bắc. Lúc thanh nhàn, cô thường hội họp cùng các bạn tiên nàng đêm đêm, mắc võng đào giữa hai cây kim giao rồi cùng đàn hát. Cô Bảy rất ít ngự đồng, khi về ngự đồng thường mặc áo tím hoặc chàm xanh, khai cuông và múa mồi.

• Cô Tám Đồi Chè

Cô giáng sinh tại vùng Phong Mục, Hà Trung, Thanh Hoá dưới thời Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa. Nhờ lập công giúp vua trong công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm nên khi thác hoá về trời, cô được lập đền thờ, trấn giữ vùng bến sông Đò Lèn, Phong Mục. Cô sinh thời là người con gái đảm đang nết na tần tảo, hái búp chè xanh trên đồi dùng làm thuốc chữa bệnh mà được tôn xưng là Cô Tám Đồi Chè. Lúc thanh nhàn, cô thường dạo chơi khắp vùng Hà Trung, cũng có khi cô hiện hình bẻ lái con thuyền độc mộc trên dòng sông Mã. Cô Tám Đồi Chè hiếm khi về ngự đồng, khi ngự thường mặc áo xanh lục quầy đen, khai quang sau đó múa mồi, múa tay tiên các điệu như người đi hái chè trên non.

• Cô Mười Đồng Mỏ

Cô Mười Mỏ Ba, hay Đồng Mỏ, vốn là vị thánh cô lúc sinh thời theo hầu Chầu Mười Đồng Mỏ, cưỡi ngựa xông pha trận mạc cùng Chầu Bà giúp vua đánh giặc Ngô. Hiện nay không lưu lại thần tích về cô, khi ngự về cô mặc áo vàng, tay cầm cung kiếm.

Cre: Fanpage Epic

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *