Vương Giả Vinh Diệu đã có những bước đi đầu tiên trong hành trình chinh phục thị trường quốc tế liệu đây có phải là dấu chấm hết cho Liên Quân Mobile.
Vương Giả Vinh Diệu (Honor of Kings) từ lâu được biết đến như “thần thoại” của làng MOBA thế giới nói chung và nền tảng game MOBA điện thoại nói riêng với doanh thu hơn 14 tỷ USD sau 6 năm phát hành chính thức ở thị trường nội địa Trung Quốc. Liên tục nhiều năm liền, VGVD cùng với PUBG Mobile thay nhau chiếm vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng về doanh thu của mảng điện thoại. Tuy vậy, xét riêng về độ nổi tiếng hay sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế – VGVD kém xa “người anh em họ” cùng công ty (Tencent), người hâm mộ thể loại MOBA điện thoại cho đến các chuyên gia đều xem VGVD như ông vua nội địa khi hoàn toàn phong bế mình ở thị trường trong nước. Bản thân những định hướng về gameplay, tạo hình nhân vật của game đều tập trung phục vụ cho người dân Trung Quốc, cũng dễ hiểu khi trung bình mỗi ngày dân đại lục chi hơn 5 triệu USD cho tựa game quốc dân của mình.
Từ cuối năm 2021, những bước chạy đà cho việc xuất ngoại của tựa game “con cưng” đã được Tencent tiết lộ, thông qua việc công bố giải đấu AWC 2022 (diễn ra vào tháng 10/2022) với phần thưởng siêu khủng lên đến 10 triệu USD (Cần biết giải đấu trước đó tổng giải thưởng chi có 500k USD). AWC 2022 sẽ là giải đấu cấp độ quốc tế chung cho cả Liên Quân Mobile (LQMB) và VGVD, tại đây các đội tuyển chuyên nghiệp của cả 2 tựa game sẽ tranh tài cùng nhau trên một bản đồ mới với hơn 50 vị tướng quen thuộc đến từ VGVD và LQMB. Không để người hâm mộ phải đợi đến tháng 10, mới đây thông qua Twitter của Level Infinite (Bộ phận phát hành game toàn cầu của Tencent) – Sản phẩm Vương Giả Vinh Diệu (Honor Of Kings) dành cho thị trường quốc tế đã được công bố, với dòng thông báo như sau: “Chúng tôi có một tin tuyệt vời dành cho các bạn, sản phẩm Honor Of King của Timi Studio sẽ được giới thiệu vào cuối năm nay. Vòng thử nghiệm kín sẽ được bắt đầu vào tháng sau. Hãy kiên nhẫn và chờ đợi những thông tin tiếp theo.”
Những động thái gần đây của nhà phát hành Tencent dành cho VGVD không phải ngẫu nhiên, thực tế Tencent cùng tựa game của mình đang gặp những vấn đề trong việc duy trì vị thế độc tôn của mình ở chính thị trường quê nhà. Cụ thể theo trang Finance Sina (chuyên trang tài chính) của Trung Quốc, Tencent và các game của mình đang gặp vấn đề trong việc tiếp cận người chơi mới. Cần biết, Tencent đang sở hữu WeChat nền tảng mạng xã hội có lưu lượng người dùng tốt nhất tại đất nước tỷ dân với 1,288 tỷ người dùng truy cập, nhưng TikTok (Douyin) đang tăng trưởng rất mạnh với 600 triệu người dùng hoạt động hàng ngày, ngoài ra còn có nền tảng Kwai (Kuaishou) với hơn 300 người dùng hàng ngày. Điểm chung của các nền tảng này ở thời điểm hiện tại là chúng có lượng người dùng phân bố ở độ tuổi còn rất trẻ, thích hợp để quảng bá game. Số liệu cho thấy hiệu quả trong việc quảng bá các game mới ra mắt của 2 nền tảng này không thua so với WeChat, dù nền tảng của Tencent có lượng người dùng tốt hơn.
Vấn đề thứ 2 là từ trước đến giờ “cha đẻ” của VGVD rất thận trọng việc đầu tư, phát triển sản phẩm mới, họ không quá mặn mà trên phương diện sáng tạo. Tencent luôn chọn biện pháp mua lại hoặc đầu tư cho các studio game thành danh trên thế giới như: Riot Games, Turtle Rock, Epic Games hay Ubisoft. Tuy nhiên, vòng lập mua lại rồi đầu tư của Tencent dường như không phải lúc nào cũng tối ưu. Bằng chứng là vẫn có những studio như MiHoYo, dù không nhận bất cứ đồng nào của ông lớn Tencent, nhưng vẫn cho ra mắt “siêu phẩm” về lưu lượng doanh thu cũng như lượt tải – Genshin Impact. Báo chí nội địa cho rằng sự thành công của Genshin Impact là minh chứng cho việc “đế chế” mà Tencent đang cố tạo ra đã có những “vết nứt” nhất định. Bản thân nhà phát hành game lớn nhất Trung Quốc cũng nhận ra những vấn đề của mình, khi họ trao nhiều quyền lực sáng tạo hơn cho các studio mới ký kết để phát triển game. Điển hình như phi vụ hợp tác cùng studio Shanda Games (Nơi tạo ra các tựa game như Dragon Net M, Dragon Net hay Company Of Heroes) – Tencent đã ký kết thỏa thuận sẽ không can thiệp vào tiến độ phát triển sản phẩm của Shanda, cũng như các thỏa thuận ăn chia, cổ phần sẽ là 80 – 20 (80% cho Shanda và 20% cho Tencent với các game phát hành trực tiếp trên nền tảng của Shanda).
Sự xuất hiện của VGVD phiên bản quốc tế thật sự là hồi chuông “báo tử” cho LQMB, khi so sánh về đồ họa hay chất lượng gameplay tựa game đàn anh đều tỏ ra vượt trội so với người em. Điều này dễ nhận thấy nhất thông qua những đợt hợp tác phát hành trang phục song sinh thời gian gần đây giữa 2 tựa game, điển hình nhất là trang phục Điêu Thuyền Ngộ Kiến Hồ Toàn và Lauriel Phi Thiên, đến mức các game thủ khi sở hữu đầy đủ cả 2 trang phục đã so sánh như sau: “Mấy bạn máy yếu chơi đồ hoạ thấp cái lụa con Lau như 2 sợi dây thép”, “Chắc được đợt đầu. Đợt sau mang danh (ý nói về Violet và Tôn Thượng Hương trong đợt hợp tác đầu làm rất tương xứng)” – “Trừ cái hoạt cảnh xuất hiện chôm của Điêu Thuyền nhìn oke thì thật sự skin rất chán. Chưa kể cái màu map liên quân nó không đẹp, hoà với cái skin nhìn nhạt nhoà x2. Skin dải lụa cứng đờ, dáng đi nhìn dị t*t thôi rồi, vì game 10gb với 2gb nên mất bớt ít hiệu ứng. Nói chung là tiền nào của đó, rẻ thì chấp nhận thôi.”
Tạo hình tướng mang phong cách “quốc tế” là điểm vượt trội duy nhất của LQMB nếu so với VGVD, tuy nhiên riêng ở thị trường Việt Nam điều này không hẳn là ưu điểm
Điểm cộng duy nhất của LQMB so với VGVD có lẽ là về phong cách thiết kế, tạo hình nhân vật không mang đậm phong cách Trung Hoa. Nhưng nếu phiên bản mới của VGVD ở thị trường quốc tế bao gồm cả những tướng từ LQMB thì thật nguy lắm thay cho tựa game MOBA quốc dân tại thị trường Việt Nam.
Xem thêm: Faker vẫn ‘vô đối’ trong khoản kiếm tiền thưởng, nhà vô địch MSI 2022 Xiaohu còn thua cả JackeyLove
Theo: Game4v