Dù nổi tiếng toàn cầu thì loạt phim Hollywood sau đây vẫn “bay màu” ở một số quốc gia.
Không phải lúc nào bom tấn Hollywood cũng được phát hành suôn sẻ ra toàn thế giới. Đôi khi, phim vì một vài lý do quan trọng mà buộc phải “xếp xó”, vừa không được công chiếu đàng hoàng, vừa bị khán giả khu vực ném đá. Trong bài viết này, hãy cùng nhìn lại một số trường hợp tương tự ở Hollywood, nơi bom tấn tiền tỷ bị cấm cửa ở nhiều quốc gia khác nhau. Có phim không phù hợp với thị trường nghệ thuật, có phim cậy mình giả tưởng mà xuyên tạc hơi quá…
1. Leonardo DiCaprio bị Trung Quốc “tuýt còi” vì làm việc với đạo diễn nổi tiếng
Django Unchained – một trong những tác phẩm nổi bật của đạo diễn Quentin Tarantino đã bị thị trường Trung Quốc cấm phát hành do yếu tố bạo lực 18+. Mặc cho sự tham gia đóng chính của Leonardo DiCaprio , tài tử Hollywood có nhiều fan hâm mộ ở Châu Á, thì Django Unchained vẫn không vượt qua nổi vòng kiểm duyệt. Phim bị chỉ trích với quá nhiều cảnh nổ súng máu me. Đã vậy còn lạm dụng việc chửi thề, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Trung Quốc.
Trước đó, đạo diễn Quentin Tarantino đã chuẩn bị một bản cắt nhẹ nhàng hơn của bộ phim, bớt cảnh bạo lực lại và cắt gọn nhiều câu nói thô tục. Tiếc là phiên bản này vẫn không phù hợp với thị trường Trung Hoa.
2. Wonder Woman từ bom tấn toàn cầu thành “con ghẻ” Trung Đông
Wonder Woman phiên bản Gal Gadot đã trở thành một trong những phim điện ảnh thành công nhất của vũ trụ DC. Phim là cú hit phòng vé ở vô số quốc gia, thu về hàng trăm tỷ lợi nhuận. Ấy vậy mà lỗ vốn nặng nề ở thị trường Trung Đông khó tính.
Nguyên nhân đơn giản đến từ xuất thân của ngôi sao Gal Gadot. Với dòng máu Israel, nữ chính Wonder Woman đã không được lòng khán giả ở một số quốc gia phe đối lập. Bởi vậy, hàng loạt chuỗi rạp ở Dubai, Qatar… thông báo cấm cửa với Wonder Woman chỉ vài ngày trước khi công chiếu.
3. Kingsman xuyên tạc khủng về nước bạn, “bốc phét” cao như này bảo sao bị cấm chiếu
Bom tấn hành động Kingsman: The Golden Circle không chỉ nổi tiếng với tính châm biếm, khôi hài mà còn là ví dụ tiêu biểu cho tình trạng xuyên tạc sự thật trên màn ảnh Hollywood. Sau khi ra mắt, phim bị phản đối dữ dội tại Campuchia do bôi xấu hình ảnh quốc gia này, mô tả Campuchia là nơi trú chân an toàn cho tội phạm. Đã vậy còn biến bối cảnh ngôi đền trang trọng thành kho sản xuất chất cấm. Rốt cuộc, Kingsman bị Bộ Văn hóa Campuchia cấm chiếu vô thời hạn, cho đến giờ vẫn còn bị người dân khu vực ném đá.
Bối cảnh ngôi đền linh thiêng bị biến thành ổ ma tuý
4. Huyền thoại Ma Trận không có cửa ở một quốc gia đặc biệt, tất cả chỉ vì tổ đạo cụ siêu quá!
Với nội dung đậm tính viễn tưởng, ẩn chứa nhiều thông điệp khó hiểu về khoa học công nghệ, phim Ma Trận 2 tưởng chừng vô hại thì ai ngờ phản cảm với thị trường Ai Cập. Thì ra, một số biểu tượng và mật mã trong phim đã gợi nhắc đến chữ tượng hình Ai Cập xưa. Rốt cuộc bị giới kiểm duyệt cấm tiệt vì lý do tôn giáo.
5. Borat xứng danh “vua hài” nhưng lại không được lòng ai, bị cả một dân tộc quay lưng
Bộ phim hài Borat đã khiến cả thế giới bật cười, ngoại trừ khán giả Kazakhstan – quê hương của nhân vật trong phim. Là một người dẫn chương trình truyền hình đến từ Kazakhstan, nhân vật Borat chẳng khác gì phiên bản “parody” tiêu cực, châm biếm kinh khủng từ thói quen ăn mặc đến từng thói quen xấu.
Nhân vật Borat từng gây tranh cãi dữ dội
Ngạc nhiên thay, bản án cấm chiếu Borat lại được dỡ bỏ dần sau khi Bộ Du lịch Kazakhstan lên tiếng, thừa nhận rằng lượng khách du lịch đến Kazakhstan tăng bất ngờ nhờ hiệu ứng phim.
Nguồn ảnh: Tổng hợp
Theo GameK