Trong thần thoại Trung Quốc, Chung Quỳ là vị thần bắt ma nổi tiếng, nắm quyền điều khiển 80.000 ma quỷ các loại, hình của ông thường được vẽ ở trước cửa các gia đình để xua đuổi tà ma.
Theo truyền thuyết, Chung Quỳ là một thanh niên sống đời nhà Đường. Vốn thông minh tài giỏi, văn võ song toàn, chỉ mỗi tội mặt mũi xấu xí, râu hùm hàm én, mắt to miệng rộng, trông rất dữ tướng. Năm đó, Chung Quỳ cùng người bạn Du Bình lên kinh ứng thí. Nhờ tài năng của mình, Chung Quỳ đạt điểm cao nhất và đỗ Trạng Nguyên. Thế nhưng khi được cho vào cung yết kiến vua, các quan đại thần thấy mặt mũi anh Quỳ xấu quá nên cho tạch. Quỳ uất quá không làm gì được, lao đầu vào cột tự tử.
Đến đây thì có hai cách kể khác nhau. Một chuyện thì kể linh hồn Chung Quỳ xuống âm phủ, Diêm vương tiếc tài năng của Chung Quỳ và cũng cảm động cho số phận của anh, phong cho làm Ma Vương – chuyên nhiệm vụ đi săn bắt ma quỷ trên dương gian.
Chuyện thứ hai thì lại kể rằng sau khi Chung Quỳ chết, nhà vua tiếc thương cho chàng ta, lấy áo Trạng Nguyên khoác lên thi hài và ra lệnh mai táng theo nghi thức của quan lại. Linh hồn Chung Quỳ cảm động, nguyện ở lại dương gian, dùng tài năng của mình đi bắt ma diệt quỷ, bảo vệ cho thiên hạ.
Sau đó Chung Quỳ bắt đầu sự nghiệp trừ ma diệt quỷ của mình, ông còn về thăm quê và gả em gái cho người bạn tốt Du Bình năm xưa (đố anh Bình dám khước từ, hehe).
Có một truyện kể rằng vào đời vua Đường Minh Hoàng, nửa đêm vua ngủ, chiêm bao thấy một con tiểu quỷ vào ăn trộm cái túi ngọc của Dương Quý Phi và một cây sáo của mình. Bất ngờ có một vị mặt mũi hung dữ, đầu đội mũ mão, tay cầm thần kiếm, nhảy ra bắt lấy con tiểu quỷ, móc mắt và ăn thịt nó. Vị này tự giới thiệu mình là Chung Quỳ, đang làm nhiệm vụ trừ yêu ma.
Tỉnh dậy, vua Đường thuật lại chuyện này và miêu tả hình dáng của Chung Quỳ cho họa sĩ Ngô Đạo Tử vẽ lại. Các tranh vẽ Chung Quỳ cho đến ngày nay, đều ảnh hưởng từ phong cách vẽ của ông này.