Bạn có biết ý nghĩa của những chiếc mặt nạ trong manga/anime?

Khi xem các bộ manga/ anime Nhật Bản, các bạn có thể thấy sự xuất hiện của rất nhiều loại mặt nạ mà các nhân vật hay mang. Trong chuyên mục Văn hóa Nhật Bản hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu một số loại mặt nạ thịnh hành tại Nhật Bản nhé! Đảm bảo là các bạn cũng đã từng nhìn qua những chiếc mặt nạ này trong manga/ anime rồi đấy!

1. Mặt nạ Samurai

Chiếc mặt nạ mà các chiến binh samurai mang khi tham gia chiến trận được gọi là Men-yoroi. Mặt nạ có công dụng bảo vệ mặt của samurai và để đe dọa kẻ thù, thế nên các mặt nạ samurai thường có hình dáng khá đáng sợ. Men-yoroi được làm ra bởi những người thợ thủ công chuyên nghiệp, và mỗi chiếc mặt nạ đều có tạo hình khác nhau tùy theo tính cách và sở thích của từng chiến binh.

2. Mặt nạ Kendo

Kendo – Kiếm đạo là một bộ môn võ thuật nổi tiếng tại Nhật Bản, những người tập kendo sẽ sử dụng kiếm tre và bộ trang phục bảo vệ. Đi liền với bộ trang phục ấy là chiếc mặt nạ gọi là “men”. Nó là một chiếc mặt nạ lớn, bảo vệ khuôn mặt, cổ họng và vai. Thay vì che kín hết phần khuôn mặt, phần trước của men được tạo thành hình những song ngang, để tránh hạn chế tầm nhìn của người đeo.

3. Mặt nạ Hyottoko

Hyottoko là tên của một thần linh theo quan niệm dân gian Nhật Bản. Câu chuyện về Hyottoko rất đa dạng. Có nơi thì lưu truyền rằng Hyottoko là một cậu bé có khuôn mặt buồn cười và có thể tạo ra vàng từ lỗ rốn của mình. Hyottoko là một linh hồn may mắn với khuôn mặt hài hước.

Mặt nạ Hyottoko hay xuất hiện trong nhiều điệu nhảy truyền thống. Đi kèm với chiếc mặt nạ ấy, người nghệ sĩ sẽ biểu diễn những bước nhảy ngốc ngốc, đáng yêu, giống như tính cách của Hyottoko vậy.

4. Mặt nạ Okame 

Okame là phiên bản nữ của Hyottoko. Cả hai đều có khuôn mặt khá hài, và thường đi chung với nhau như một cặp đôi hoàn hảo. Okame được xem là một nữ thần ban sự may mắn và giàu có. Vào lúc lễ hội, mặt nạ Okame khổng lồ thường được treo tại các ngôi đền.

5. Mặt nạ Oni

Oni có nghĩa là quỷ. Chúng rất nghịch ngợm và phá phách. Mặt nạ Oni thường mang hình dạng đáng sợ. Tại những lễ hội ở một số vùng nông thôn Nhật Bản, người dân địa phương thường mang mặt nạ oni chạy nhong nhong khắp đường. Vào lễ hội Setsubun, trong các gia đình Nhật Bản, người bố hoặc mẹ sẽ mang mặt nạ oni, và những đứa trẻ sẽ ném đậu vào những ai mang mặt nạ ấy để “đuổi quỷ”.

6. Mặt nạ Hannya

Hannya là tên của nữ quỷ trong truyện dân gian Nhật Bản. Hannya trông khá giống với mặt nạ Oni. Mặt nạ Hannya thường xuất hiện trong các vở kịch Noh. Nó có nét mặt khá đáng sợ và dữ tợn.

7. Mặt nạ Noh

Noh là tên một loại nhạc kịch truyền thống Nhật Bản. Thời xưa, những vai diễn trong kịch Noh đều là do người nam đảm nhiệm, nên đối với nhân vật nữ và người già, họ đều phải đeo mặt nạ cho hợp với vai diễn của mình. Vào thời hiện đại, kịch Noh đã có các diễn viên nữ tham gia, nhưng mặt nạ Noh vẫn được lưu giữ trong các vở kịch như một nét đặc sắc riêng. Mặt nạ Noh cực kì phức tạp. Khi nhìn ở góc độ khác nhau, bạn sẽ thấy mặt nạ có biểu hiện khuôn mặt khác nhau. Có những mặt nạ tinh vi đến nỗi khi thay đổi góc nhìn, mặt nạ sẽ mang một khuôn mặt hoàn toàn khác.

8. Mặt nạ Kitsune

Kitsune có nghĩa là cáo. Theo truyền thống Nhật Bản, cáo là con vật đưa tin của nữ thần Inari. Trong truyện dân gian, đôi khi thần linh cũng sẽ hóa thân thành cáo. Mặt nạ cáo thường xuất hiện rất nhiều trong các lễ hội Nhật Bản.

9. Mặt nạ Tengu 

Tengu là một sinh vật huyền bí xuất hiện trong truyện dân gian Nhật Bản. Trong quá khứ, Tengu là một loài quỷ mang theo nhiều điều xui xẻo. Nhiều thế kỉ trôi qua, giờ đây Tengu được người ta xem là người bảo vệ những khu rừng thiêng trên núi. Tengu vốn có hình dáng giống con chim, nhưng đã được biến tấu giống với hình người, có nước da màu đỏ và cái mũi dài. Mặt nạ Tengu thường xuất hiện trong các lễ hội như là quà lưu niệm và vật trang trí.

Nguồn: Japan-Talk

Anilezah

Theo TinAnime

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *