So với việc các đội bóng đá hay các đội thể thao rót vốn, những cầu thủ giờ đây đang chiếm một số lượng lớn về quy mô đầu tư cho Esports. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là tại sao họ lại làm thế? Liệu Esports là một đam mê khác của họ? Những cá nhân này có muốn hỗ trợ để Esports tiến xa hơn không? Với nhiều người có thể đúng là vậy. Tuy nhiên, đã có nhiều yếu tố khác tác động vào.
Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ… tiền. Các VĐV thể thao truyền thống nhận ra rằng mình có thể kiếm lời nếu lấn sân sang Esports. Trải qua 1 thập kỷ, Esports không ngừng vươn lên và đã bước sang giai đoạn bùng nổ. Từ một cộng đồng game thủ nhỏ, giờ đây Esports là một ngành công nghiệp, đồng thời thu hút được rất nhiều những nhà đầu tư tiềm năng.
Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chưa dừng lại ở đó. Esports Insider dự đoán, doanh thu toàn cầu của Esports sẽ đạt mức 1,62 tỷ USD vào năm 2024. Bên cạnh đó, lượng người xem của Esports cũng tăng đến đáng kinh ngạc. Mỗi năm, người ta lại nói về việc khán giả xem Esports còn nhiều hơn cả thể thao truyền thống. Nghe có vẻ điên rồ nhưng đây lại là sự thật.
Vì thế, giới chuyên môn không ngạc nhiên khi các ngôi sao từ NFL (Giải Bóng bầu dục của Mỹ), NBA (Giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ) và các đội bóng đá lớn trên thế giới đổ xô rót tiền vào Esports. Trong những năm qua, lượng khán giả trẻ theo dõi Esports ngày càng nhiều hơn. Cũng ở cùng nhóm tuổi này, số lượng khán giả theo dõi thể thao truyền thống ngày càng ít đi.
Từ cơ sở ấy, Giám đốc kinh doanh Philip Hubner của Challengermode tin rằng những ngôi sao “giàu cá tính” sẽ tích cực đầu tư vào Esports hơn. Yếu tố thứ 2 giúp Esports thu hút các nhà đầu tư là chuyên môn. Dù còn nhiều định kiến cho rằng Esports là những trò chơi giải trí không hơn không kém, thế nhưng bất kỳ ai yêu thích cũng tin rằng Esports cũng đòi hỏi nhiều thứ như các môn thể thao khác.
Nếu như các VĐV thể thao truyền thống thường vận động tay hoặc chân, các VĐV Esports cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa tay và mắt. Ở thể thao truyền thống, các nguyên tắc cơ bản là tập luyện theo nhóm, nghiêm khắc với bản thân, phát triển tài năng và kỹ năng. Trong khi đó, với Esports, mối liên kết và tính tập thể là chìa khóa mở ra chiến thắng.
Để trở thành một VĐV Esports chuyên nghiệp, bạn không chỉ cần mỗi sự tinh tế của bản thân hoặc đơn thuần là sở thích chơi game. Tập luyện, xây dựng đội hình, huấn luyện hoặc tổ chức là hàng loạt các kỹ năng mà những VĐV thể thao truyền thống đã tiếp cận trong phần lớn sự nghiệp của mình. Do đó, họ có thể dễ dàng truyền đạt kiến thức khi chuyển sang quản lý hoặc điều hành.
Một ví dụ điển hình là David Beckham. Cầu thủ bóng đá điển trai người Anh đã quyết định đầu tư vào CLB Inter Miami. Sẽ không ai mong đợi vào việc David Beckham sẽ ở sân tập cả ngày để huấn luyện các cầu thủ. Tuy nhiên, với sự am hiểu về các nguyên tắc cơ bản của bóng đá, cựu tiền vệ của Manchester United đã góp công lớn để tạo nên một đội bóng tuyệt vời.
Tương tự, Esports cũng vậy. Gần đây, chúng ta đã thấy Jesse Lingard lấn sân sang Esports và tham gia điều hành đội Rainbow Six Siege mang tên JLINGZ Esports. Chia sẻ trong bài trả lời phỏng vấn trên BBC, Jesse Lingard cho rằng sự giao thoa, mối liên kết và tương đồng giữa Esports và thể thao truyền thống là “cực kỳ điên rồ”.
Thực tế, những đóng góp của các ngôi sao thể thao cho Esports đôi khi còn nhiều hơn cả các tổ chức. Đa phần, khán giả sẽ nghe nhiều hơn về khoản đầu tư của các ngôi sao thể thao vì vị thế của họ. Trùng hợp thay, đó chính là sức mạnh và lợi thế mà họ mang lại cho Esports. Danh tiếng, độ phổ biến của các ngôi sao đã giúp Esports tiếp cận được nhiều người hơn.
Chẳng hạn, Michael Jordan hiện đang nắm cổ phần trị giá 26 triệu USD của aXiomatic Gaming (tổ chức được xem là sân sau của Team Liquid). Với các khán giả Esports, điều đó chẳng mang lại ý nghĩa hay giá trị gì. Tuy nhiên, khoản đầu tư ấy khiến cho một người chẳng biết gì về Esports đôi khi cũng sẽ phải giật mình và để mắt.
Cũng có lập luận cho rằng, các ngôi sao của Esports nên là những người đứng đầu về số tiền đầu tư cho Esports. Thế nhưng, lập luận ấy chỉ đúng ở một góc độ nào đó. Về cơ bản, có ai am hiểu Esports hơn những người từng giành rất nhiều chức vô địch và thi đấu Esports lâu năm? Chắc chắn, nhiều người trong số họ phù hợp hơn các ngôi sao thể thao để đầu tư và thành lập một đội Esports.
Dù vậy, bất chấp những điều kiện lý tưởng đó, Esports không thể tạo ra tiếng nói lớn, không mang tính đại chúng cao và cũng không được truyền thông tốt như thể thao truyền thống. Mặt khác, Esports không sản sinh ra được những huyền thoại như thể thao truyền thống. Thứ Esports đang thiếu là một cá nhân đủ sức để trở thành thương hiệu riêng của ngành.
Hiện tại thì không, nhưng tương lai chắc chắn sẽ có. Bạn có biết Faker không? Ít hay nhiều, ngay cả một người không theo dõi LMHT cũng biết tuyển thủ ngôi sao người Hàn Quốc là ai. Nếu Esports cứ tiếp tục đà phát triển như hiện tại, việc tìm ra một ngôi sao có sức ảnh hưởng lớn, được biết đến rộng rãi sẽ không còn quá xa vời nữa.
Trong khi đó, các khoản đầu tư từ những ngôi sao thể thao truyền thống sẽ luôn được hoan nghênh. Mặt khác, phạm vi đầu tư cho Esports sẽ không chỉ gói gọn ở đó. Bởi lẽ, người hâm mộ đã thấy những rapper như Snoop Dogg, Drake hay Will Smith có mối quan hệ mật thiết ra sao với Esports. Vì thế, trong tương lai gần, việc các ngôi sao nổi tiếng đầu tư vào Esports có lẽ sẽ không dừng lại mà thậm chí còn xuất hiện nhiều hơn.
Theo Thethao.vn