Đây là một thực trạng đáng buồn khiến cho nhiều fan hâm mộ manga/anime cảm thấy lo lắng khi mà việc thiếu hụt nhân sự có thể ảnh hưởng tới chất lượng của những bộ phim mà họ theo dõi.
Một thực tế khó có thể phủ nhận rằng, manga/anime đang ngày càng phổ biến trên khắp thế giới trong đó có Việt Nam. Khi xem một bộ anime hay đọc một bộ manga, các bạn có tự hỏi quá trình để làm ra nó vất vả thế nào không?
Không chỉ vất vả mà nó còn tốn rất nhiều thời gian và đặc biệt theo một nghiên cứu gần đây nhất cho thấy, người làm nghề sản xuất manga/anime còn dễ tổn thọ vì cường độ công việc quá dày đặc. Nhật Bản là đất nước nổi tiếng với sự chăm chỉ và cần cù, để mang lại những chap truyện hay tập phim hay thì họ sẽ phải thường xuyên tăng ca hay thậm chí thức đêm để hoàn thành tác phẩm. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề chính vì nhiều nghề ở Nhật Bản cũng rơi vào tình trạng này.
Vấn đề mà những người làm nghề sản xuất manga/anime gặp phải đó chính là thu nhập của họ. Số tiền lương cho các mangaka hay các nhân sự sản xuất anime mới vào nghề thật sự rất khiêm tốn và không phải ai cũng đủ bản lĩnh bước chân vào con đường may rủi như vậy. Chính vì thế, Nhật Bản hiện tại đang đối mặt với vấn đề ngày càng thiếu hụt các nghệ sĩ vẽ anime/manga. Hầu hết những mangaka nổi tiếng mới có được thu nhập tốt, trong khi đó thì một bộ manga mới có thể bị khai tử bất cứ lúc nào nếu nó không được lòng độc giả. Để từ một tác giả mới nổi thành một mangaka sống được bằng tiền từ vẽ truyện tranh không phải là câu chuyện đơn giản tại Nhật Bản.
Nhu cầu xem anime, manga trên toàn thế giới tăng nhanh một cách chóng mặt. Theo thống kê trên Netflix, có khoảng hơn 100 triệu gia đình đã xem ít nhất 1 bộ anime trong năm 2021, tăng gấp đôi so với năm 2020. Điều này càng thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp anime để đáp ứng nhu cầu của mọi người. Và khi đó, đội ngũ sản xuất phải hùng hậu và có tay nghề vững chắc, đây chính là vấn đề nan giải ở nhiều studio hiện nay vì giống như nghề vẽ truyện tranh, thu nhập từ những người sản xuất anime (trừ những người có tên tuổi) đều khá thấp và không được như nhiều ngành nghề khác.
Chính vì sự thiếu hụt về mặt nhân sự nên rất nhiều studio tại Nhật Bản đã chuyển giao nhiều công đoạn trong việc sản xuất anime phải thuê ngoài, chuyển sang các nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc. Điều này tạo ra những sự không thống nhất trong các công đoạn sản xuất anime, khiến nhiều bộ phim bị ném đá là thiếu chất lượng hoặc bị chậm lịch phát sóng, một tình trạng phổ biến trong năm 2021.
Các bạn thấy sao về thực trạng thiếu nhân sự sản xuất manga/anime, nghề gây tổn thọ và thu nhập thấp tại Nhật Bản? Hãy để lại ý kiến của mình nhé!
Theo GameK