Truyện tranh Doremon đã trở thành một phần tuổi thơ của rất nhiều thế hệ – đặc biệt là với các bạn trẻ tại Việt Nam. Chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh chú mèo máy màu xanh với chiếc túi thần kỳ, thế nhưng có những điều về chuyến hành trình của Doremon và những người bạn mà chưa chắc bạn đã biết.
Nội dung bài viết
- 1 Truyện tranh Doremon từng có rất nhiều phiên bản
- 2 Mỗi cái tên trong truyện lại mang một ý nghĩa khác nhau
- 3 1293 là con số gắn liền với Doremon
- 4 Doremon đã trở thành biểu tượng của Nhật Bản
- 5 Doremon sẽ không có hồi kết hoàn chỉnh
Truyện tranh Doremon từng có rất nhiều phiên bản
Doremon được tác giả Fujiko Fujio sáng tác để hướng tới đối tượng độc giả là thiếu nhi. Tập đầu tiên của Doremon đã được đăng tải vào năm 1969 trên 6 tạp chí khác nhau, với 6 phiên bản khác nhau, hướng đến các bạn nhỏ trong độ tuổi từ mầm non cho đến học sinh lớp 1 đến lớp 4.
Mỗi cái tên trong truyện lại mang một ý nghĩa khác nhau
Cũng giống như mọi ông bố bà mẹ khi đặt tên con cái với mong muốn chúng sẽ có được những điều may mắn và tốt đẹp nhất, tên của các nhân vật trong truyện tranh doremon lại có những ý nghĩa sâu sắc khác nhau.
Nobi Nobita: Nobita bao gồm “Nobi” là “quá”, “vượt quá giới hạn”, còn chữ “ta” mang nghĩa “thái” trong “thông thái”. Nobita có nghĩa là “quá sức thông thái” – cái tên được ông bà Nobi đặt cho anh bạn để mong cậu sẽ có trí thông minh hơn người.
Tiếc là thay vì vậy, cậu lại có khả năng “ăn hại” và “phá phách” hơn người khi rất nhiều lần vướng phải rắc rối, và vô số lần suýt phá hủy thế giới. May mắn cho cậu là có được chú mèo máy xanh Doremon cạnh bên.
Minamoto Shizuka: “Minamoto” có nghĩa là “khởi nguồn”. “Shizuka” tức là “yên tĩnh”, “êm đềm”. Đặc biệt, chữ “ka” ở cuối lại có nhiều nghĩa, mà nghĩa thường thấy nhất là “đẹp, tốt, tuyệt hảo”. Hiểu một cách nôm na, Minamoto Shizuka là “khởi nguồn của sự êm đềm tuyệt vời”
Gouda Takeshi (Chaien): “Gou” tức là “mạnh”. “Takeshi” tức là “đấm đá”. Viết ra tiếng Hán, tên của cậu bạn này tức là “võ”. Hơn nữa, Chaien đọc lái và chơi chữ theo tiếng Anh còn có nghĩa là “khổng lồ”. Cái tên này vô cùng phù hợp với anh bạn béo mập và rất thích “gây sự”.
Honekawa Suneo (Xeko): Honekawa được ghép từ “Hone” và “kawa”, tức là “da bọc xương”. “Suneo” nghĩa là “hờn dỗi”. Tên của “mỏ nhọn” tức là “cậu bé gầy còm hay hờn dỗi” – và đúng là cậu hay dỗi thật…
Dekisugi (Dekhi): Sugi nghĩa là “quá, lắm”, còn “Deki” nghĩa là “làm được”. Dekisugi tức là “cái gì cũng làm được rất tốt” – ý muốn nói là một nhà thông thái.
Doraemon: Bao gồm “Dora” và “emon”. “Dora” được lấy từ “Doraneko”, là con mèo bị lạc. Còn “emon” là một hậu tố tên rất phổ biến ở Nhật Bản thời kỳ trước. Cái tên Doraemon nghĩa là “Chú mèo đi lạc”, ý muốn nhắc về chuyến đi lạc từ tương lai về quá khứ của mèo máy xanh.
1293 là con số gắn liền với Doremon
Trong truyện tranh Doremon, nếu tinh ý quan sát, chúng ta dễ dàng thấy được mèo ú gắn liền với con số 1293.
- Chiều cao: 129,3 cm
- Cân nặng: 129,3 kg
- Nhảy cao: 129,3 cm (khi thấy chuột)
- Công suất tối đa: 129.3 mã lực
- Vòng bụng: 129,3 cm
- Đường kính chân: 129,3 mm
- Tốc độ chạy: thông thường: 50m/s – khi gặp chuột: 129,3 km/h
Ngoài ra, ngày sinh của chú là 03/09/2112 – hay 12/9/3, nếu viết theo thứ tự năm/tháng/ngày
Doremon đã trở thành biểu tượng của Nhật Bản
Mặc dù mục đích ban đầu của truyện tranh Doremon là hướng tới những bạn nhỏ, nhưng sức hút của nó đã trở nên quá lớn mạnh đến mức, nhắc tới Nhật Bản là chúng ta không thể không nghĩ đến chú mèo máy xanh.
Doremon đã trở nên quá phổ biến ở đất nước Mặt Trời Mọc. Cậu xuất hiện ở các bến ga tàu, trên đồng hồ, tem, trên thân những chiếc xe bus… Thậm chí, Doremon được đưa vào giảng dạy như môn học phụ tại Đại học Torigama kể từ năm 1998.
Tháng 3/2008, chính phủ Nhật đã lựa chọn Doremon thành đại sứ hoạt hình chính thức của đất nước này. Vào ngày 03/09/2012, Doremon cũng được trao hộ khẩu chính thức tại thành phố Kawasaki – đúng 100 năm ngày nhân vật này ra đời (tính ngược từ tương lai)
Doremon sẽ không có hồi kết hoàn chỉnh
Nhiều người vẫn truyền tai nhau về cái kết của truyện tranh Doremon: sự ra đi của Mèo máy xanh và thành công của Nobita. Đó được coi là cái kết có hậu nhất cho bộ truyện tranh cực kỳ dài này. Thế nhưng, sự thật là Doremon sẽ không bao giờ có hồi kết.
Lý do cho chuyện này là bởi tác giả Fujiko trước khi ra đi, đã để lại di chúc rằng không muốn đứa con tinh thần của mình chết, thế nên ông đã không viết phần cuối của Doremon. Ông muốn rằng sau khi mình qua đời, những người yêu thích Doremon sẽ viết tiếp câu chuyện cho nhân vật đáng yêu này.
Đó là những điều mà ít ai để ý về bộ truyện tranh Doremon nổi tiếng. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều điều thú vị khác mà bạn sẽ khám phá ra khi theo dõi hết tất cả các series truyện của Doremon: từ truyện dài, truyện ngắn… cho đến những series bên lề khác.
Theo Truyenvn