Tất nhiên, câu trả lời không phải là để trông ngầu lòi hơn rồi!
Nguyên do là vì, như đã từng giới thiệu, số lượng các vị thần lớn bé trong thần thoại Hindu rất đông đảo (lên đến cả triệu), một số vị thần, xuất hiện ở đời sau, đơn giản chỉ là 1 hóa thân của 1 vị thần nào đó trong thời đại trước. Hệ thống thần thoại Hindu cũng phát triển và biến đổi phức tạp qua nhiều thế kỷ, khiến các vị thần cũng phải “tái cơ cấu”, sát nhập với nhau để trở thành 1 vị thần mới mang trong mình nhiều phẩm chất của các “vị thần thành viên”.
Vậy làm thế quái nào để có thể thể hiện hết ngần ấy phẩm chất của một vị thần “sát nhập” chỉ với một bức tranh hay pho tượng? Các nhà điêu khắc, các họa sĩ… cuối cùng đã nghĩ ra một cách, cho các vị thần có thật nhiều tay. Mỗi bàn tay sẽ cầm một thần vật gì đó, thể hiện những khả năng khác nhau hoặc những biểu trưng khác nhau mà vị thần đó đại diện (ví dụ như bông sen tên tay của thần Brahma tượng trưng cho thiên nhiên, vỏ ốc trong tay thần Vishnu thì tượng trưng cho sự sống…). Một số bàn tay của các thần có thể không cầm theo vật gì, nhưng tư thế của lòng bàn tay và các ngón tay cúng sẽ thể hiện tính cách của họ. Nếu các ngón tay hướng lên trên, đó là tư thế ban phước (như một bàn tay của thần Ganesha chẳng hạn), vị thần đó là người bảo hộ, còn nếu bạn bắt gặp một vị thần mà giơ ngón giữa lên trước mặt bạn thì…ờ… có vẻ vị đó không khoái bạn cho lắm, tốt nhất nên biến đi cho khuất mắt.