Có lẽ để thực hiện giấc mơ thì không ai là không phải cố gắng, hy sinh và thậm chí là đánh đổi. Lalaland chính là một câu chuyện như vậy. Bộ phim kể về những con người đang theo đuổi giấc mơ của riêng mình tại thành phố hào hoa, thơ mộng Los Angeles. Lalaland đã tạo dựng được dấu ấn lớn trong nền điện ảnh thế giới khi mang về vô số giải thưởng danh giá cùng sự đón nhận tích cực từ đông đảo khán giả. 

  • Thời lượng: 128 phút.
  • Điểm IMDp: 8.0/10.
  • Công chiếu: 31 tháng 8, 2016
  • Đạo diễn: Damien Chazelle
  • Hãng sản xuất: Gilbert Films, Impostor Pictures, Marc Platt Productions
  • Diễn viên: Ryan Gosling, Emma Stone, J. K. Simmons, Finn Wittrock, Rosemarie DeWitt, Meagen Fay
  • Kinh phí: 30 triệu đô la Mỹ
  • Doanh thu: 446,1 triệu đô la Mỹ

lalaland

lalaland

Lalaland là tên gọi thường được dùng cho địa danh Hollywood, thành phố Los Angeles. Thế nhưng Lalaland không chỉ đơn giản lấy từ chữ viết tắt LA (Los Angeles) mà nó còn ám chỉ cuộc sống nhộn nhịp, bận rộn và hào nhoáng của thành phố này. Trong từ điển tiếng Anh, Lalaland nghĩa là một vùng đất mộng mơ, nơi những con người cố gắng thoát khỏi thực tại để chìm đắm vào sự huyền diệu, đẹp đẽ được xây dựng trên những tưởng tượng của mình. Đó cũng chính là chất liệu mà các nhà làm phim lựa chọn sử dụng cho chủ đề chính của tác phẩm này. 

Lalaland thuộc thể loại nhạc kịch, tình cảm lấy cảm hứng từ những tác phẩm nhạc kịch thập niên 50, 60 – Thời kỳ hoàng kim của thể loại này. Bộ phim theo chân 2 nhân vật chính là Mia (Emma Stone) Sebastian (Ryan Gosling), 2 con người đang cố gắng thực hiện giấc mơ của mình ở Hollywood.

Giấc mơ của Mia chính là được trở thành một diễn viên chuyên nghiệp. Ấp ủ hoài bão ngay từ khi còn nhỏ, trải qua biết bao nhiêu lần thử vai nhưng Mia chưa từng được đón nhận. Sau cùng, cô vẫn chỉ có thể tiếp tục công việc phục vụ quán cà phê để trang trải cuộc sống qua ngày. Bởi lẽ, để tồn tại ở thành phố đắt đỏ này và nuôi dưỡng giấc mơ của mình thì Mia bắt buộc phải thích nghi và chấp nhận thực tại tàn khốc. 

Còn đối với Sebastian, anh có niềm đam mê vô tận với Jazz và mong muốn có thể làm sống lại thể loại nhạc xưa cũ này bằng một quán bar của riêng mình. Chính vì sự cuồng nhiệt đối với Jazz mà Seb từ chối tất cả những lời mời làm việc có yêu cầu chơi thể loại nhạc khác. Điều này đã khiến cuộc sống của anh mệt mỏi hơn ở Hollywood, khi những hóa đơn chất chồng và anh phải tiết kiệm đến từng đồng để thực hiện giấc mơ mở quán bar – một giấc mơ mà đến anh cũng không thể biết bao giờ nó sẽ thành hiện thực. 

Giữa thành phố đông đúc đó, Mia và Sebastian tình cờ chạm mặt nhau nhiều lần. Mia bị thu hút bởi những bản nhạc mà Seb chơi. Còn Seb, anh đã phải lòng cô nàng hài hước, xinh đẹp với mái tóc nâu và đôi mắt hút hồn. Sau những cuộc nói chuyện, họ dần tìm thấy sự đồng điệu và quyết định tiến đến mối quan hệ yêu đương.

Thế nhưng, khi chuyện tình yêu của họ ở thời điểm đẹp đẽ, lãng mạn nhất cũng chính là lúc hiện thực cuộc sống ở Hollywood liên tục gửi đến những thử thách. Cuộc sống bấp bênh, bận rộn cùng những giấc mơ không thể nào với tới khiến 2 người trẻ dần dần mệt mỏi. Đến nỗi tình yêu của họ đã không còn có thể xoa dịu như thuở ban đầu.

Lalaland: Giấc mơ có lẽ chỉ dành cho những kẻ khờ

(Đoạn review sẽ tiết lộ một số tình tiết của phim, hãy xem phim trước khi đọc để giữ được trọn vẹn cảm xúc nhé)

lalaland

lalaland

Khác với những bộ phim tình cảm thông thường, Lalaland mượn lời nhạc để vẽ nên câu chuyện tình yêu và xây dựng tâm lý của từng nhân vật. Đạo diễn Damien Chazelleđã sử dụng khéo léo những đoạn nhạc vào từng phân cảnh rất hợp lý để diễn đạt đúng nội tâm nhân vật và truyền tải những ý nghĩa sâu xa của Lalaland đến với khán giả đại chúng. Những ẩn dụ trong từng lời nhạc chính là điểm mấu chốt để tạo nên một thế giới đầy mộng mơ và nhiều xúc cảm đến như vậy trong Lalaland.

Hollywood được biết đến như tượng đài của ngành công nghiệp giải trí. Cuộc sống nhộn nhịp cùng nhiều địa điểm du lịch, vui chơi có tính nghệ thuật cao luôn thu hút hàng triệu lượt khách ghé thăm mỗi năm. Thế nhưng, Lalaland lại không mở đầu với những phân cảnh thơ mộng đó. Hollywood trong Lalaland hiện lên với hình ảnh con đường kẹt xe, hàng trăm chiếc xe nối đuôi nhau, tiếng còi inh ỏi xen lẫn tiếng nhạc chập chờn phát ra từ đài trong những chiếc ô tô chật chội.

Một khung cảnh buổi sáng đầy mệt mỏi, áp lực của những người thực sự sống trong thành phố mơ mộng mà nhiều người ngoài kia vẫn hằng ao ước. Bức tranh hiện thực đó ngay lập tức được xua tan bởi âm nhạc vui nhộn từ bài hát “Another Day of Sun”. Lời bài hát giống như là lời bộc bạch của những con người có mặt trên đoạn đường đó nói riêng và những người sống tại LA nói chung. Rằng cuộc sống của họ tại LA chẳng khác nào một cuộc chạy đua: Có người phải bỏ lại người yêu để trở thành diễn viên, có người đến LA chỉ để trở thành thần tượng của mình,… Một thành phố của giấc mơ nhưng hiện thực lại là những cuộc tranh đua kịch liệt mỗi ngày. Dẫu vậy, người ta vẫn tin tưởng giấc mơ của họ một lúc nào đó sẽ trở thành hiện thực. Bởi lẽ, họ luôn lạc quan rằng ở LA sẽ luôn có thêm 1 ngày nắng nữa (Another Day of Sun) hay một cơ hội, một may mắn nữa sẽ đến.

Trong Lalaland, Mia xuất hiện như một cô nàng bận rộn, mỗi ngày đều làm công việc nhàm chán ở tiệm cà phê để kiếm sống. Thế nhưng, cô chưa từng từ bỏ ước mơ diễn xuất của mình, cô thử vai rất nhiều. Nhưng thật khó ở Hollywood nếu cô không có một lời giới thiệu từ những người có vai vế trong giới điện ảnh. Đó là lý do vì sao, sau một ngày dài mệt mỏi, Mia vẫn phải khoác lên những bộ váy lộng lẫy đến các bữa tiệc xa hoa với mong muốn có được cơ may làm quen với người sẽ nâng đỡ mình trong tương lai.

Bài hát Someone in the Crowd vang lên tưởng như những câu hát sáo rỗng. Nhưng nó lại thể hiện đúng khát vọng của Mia khi những sự hi sinh, cố gắng bao năm nay vẫn chưa một lần được đánh đổi. Cô khao khát tìm thấy một người có thể dẫn cô đến với ước mơ của mình “Someone in the crowd could take you where you wanna go”, một người có thể dẫn lối cô khỏi những bế tắc của thực tại. Dù vậy, cảm giác lạc lõng của Mia đã cho thấy cô không hề phù hợp với nơi này. Khi cô hát một mình trong nhà vệ sinh, chính là lúc cô nói lên nỗi lòng thực sự, rằng một ai đó mà cô đang tìm trong đám đông chỉ đơn giản là một người có thể hiểu được giấc mơ thực sự của mình. Một người có thể làm động lực cho cô để cô có thể bay qua vùng an toàn, dũng cảm hơn và nắm lấy ước mơ.

Kết thúc buổi tiệc nhưng mà Mia vẫn không thể tìm thấy Someone cho mình. Bởi lẽ, định mệnh đã sắp đặt cho cô gặp Seb – Someone thực sự đã thay đổi cuộc đời cô. Chính Seb là người đã động viên Mia tự viết lên vở kịch của mình thay vì liên tục thử vai hết chỗ này đến chỗ khác. Chính Seb cũng là người đã thúc dục cô đến buổi thử vai khi cô đang ở trong tình cảnh bi quan nhất. Và những điều mà Seb làm đã đưa Mia đến thành công sau này, mở ra một trang mới trong sự nghiệp và thay đổi hoàn toàn cuộc đời của cô.

Không chỉ Seb mà ngược lại Mia cũng là người tác động rất lớn đến con đường theo đuổi giấc mơ của anh. Khi Seb phải chấp nhận hiện thực rằng anh cần tiền để trang trải cuộc sống đắt đỏ của mình ở Hollywood. Seb đã buộc mình tham gia vào ban nhạc và chơi những bài nhạc hơi hướng Pop hiện đại mà anh không hề thích. Tuy nhiên, chính ban nhạc lại mang đến cho anh một cuộc sống ổn định và danh tiếng. Anh chìm đắm trong đó và quên mất rằng ước mơ thực sự ngay từ những ngày đầu anh đặt chân đến Hollywood là mở một quán bar nhạc Jazz. Chính Mia là người luôn bên cạnh nhắc nhở Seb về mục tiêu và con đường vốn dĩ thuộc về anh. Nếu không có Mia hay không có Seb trong những năm tháng đó, có lẽ giấc mơ của họ vẫn chỉ mãi tồn tại trong trí tưởng tượng mà thôi. 

lalaland

lalaland

Đối với nhiều người, có lẽ giấc mơ chỉ dành cho những kẻ khờ. Chỉ có những kẻ khờ mới mô mộng hão huyền. Còn họ, họ đã sớm chấp nhận và thích nghi với thực tại tàn khốc thay vì theo đuổi những giấc mơ mà mình còn chẳng nắm chắc sự thành công. Chính tư tưởng đó là thứ giết chết giấc mơ, khiến những giấc mơ mãi mãi nằm trong trí tưởng và dần mờ nhạt hơn theo thời gian. Một phân đoạn truyền cảm hứng nhất trong Lalaland đó là khi Mia đi thử vai, cô quyết định kể về chuyện người Dì của cô, người đã truyền lửa nhiệt huyết cho cô theo đuổi con đường diễn viên. Lời bài hát “Audition (fools who dream)” đã nói lên tất cả về ý nghĩa thực sự của việc theo đuổi giấc mơ đến cùng. Nó giống như việc Dì Mia nhảy xuống sông Seine bằng chân trần, một cách bất cần, không quan tâm phía dưới có gì. Bà có thể bị bao quanh bởi dòng nước lạnh lẽo, có thể bị người đời chỉ trích là điên khùng, có thể bị ốm cả vài tuần sau đó. Nhưng bà vẫn sẽ nhảy, nhảy thêm hết lần này đến lần khác. “Hỡi những kẻ mơ mộng, hãy cứ khờ dại mặc kệ người đời. Một chút khờ dại chính là chìa khóa để mở ra những cánh cửa mới đầy màu sắc.”

Đó chắc chắn là ý nghĩa thực sự mà Lalaland muốn truyền tải, rằng việc theo đuổi ước mơ sẽ luôn song hàng với những thử thách, khó khăn, thậm chí là cả sự hinh sinh và thất bại. Thế nhưng, hãy cứ dám mơ đi, hãy cố gắng hết mình đi, hãy trải nghiệm thật nhiều. Bởi vì chỉ có giấc mơ thành công mới là kết quả xứng đáng nhất cho những hy sinh của bạn chứ không phải là việc làm sao để có thể tồn tại và sống qua ngày. “Em muốn nếm mùi thất bại, em sẽ để cuộc đời này đánh em cho đến khi nó mệt thì thôi, Sau đó em sẽ đập lại nó”.

City of Star –  bài hát đã đi vào tâm trí của bất kỳ khán giả nào khi xem Lalaland. City of Star được Mia và Seb hát ở nhà khi Seb trở về từ cuộc nói chuyện với một người bạn cũ.  Người bạn này nói rằng Jazz đã không còn phù hợp ở thời đại này và chẳng ai còn muốn nghe thể loại nhạc thuần túy đó nữa. Chính điều đó đã khiến Seb nghi ngờ về giấc mơ và lý tưởng của mình.
City of Star với giai điệu nhẹ nhàng vẽ nên cuộc sống ở Hollywood – thành phố ngàn sao nhưng có lẽ sẽ chẳng chiếu sáng cho Seb và cả Mia. Một thành phố luôn rực rỡ và sôi động lại ẩn sâu nhiều điều mà họ chẳng thể nhìn thấy. Thế nhưng, những lời nhạc tiếp theo của City of Star đã khẳng định rằng điều mà họ cần tìm kiếm đó là một tình yêu thực sự. Một tình yêu sẽ nâng đỡ sự yếu đuối, tự ti của họ và làm bệ phóng hoàn hảo cho giấc mơ mà họ đang ấp ủ. Đó cũng như một dự báo trong tương lại rằng chính tình yêu của Mia và Seb sẽ là yếu tố quan trọng để biến giấc mơ của cả 2 người thành hiện thực.



Ngay cuối phim, khi bản piano Mia & Sebastian’s Themeđược phát lên, các thước phim vẽ lại từ khi 2 người gặp nhau đều trải qua những điều hạnh phúc và khép lại với một gia đình êm ấm. Thế nhưng ở hiện thực, Seb đã có quán bar cho riêng mình, Mia đã thành diễn viên nổi tiếng và có gia đình riêng. Đối với nhiều khán giả, Lalaland có một cái kết đầy tiếc nuối cho 2 nhân vật chính. Nhưng đối với mình, đó là một cái kết hoàn hảo nhất trong một thế giới vốn dĩ đã không hoàn hảo. Họ đều đã thực hiện được giấc mơ và ở vị trí mà mình thuộc về. Bởi lẽ, khi cả 2 ở Đài thiên văn Griffith, khi Seb tự tin Mia đã đậu thử vai và Mia cũng ngầm hiểu rằng anh sẽ quyết tâm thực hiện giấc mơ của mình. 2 người đều biết họ cần phải rời xa nhau để một lần nữa nghiêm túc theo đuổi giấc mơ đến cùng. Đối với mình, ánh mắt nhìn nhau của Seb và Mia ở cuối phim không phải là để chào nhau sau 5 năm gặp lại, mà đó là ánh mắt như muốn nói lời chúc mừng vì giấc mơ của họ cuối cùng đã thành hiện thực.
Review phim Lalaland
Tapchireview’ rating: 9.0/10

#wpdevar_comment_1 span,#wpdevar_comment_1 iframe{width:100%!important}#wpdevar_comment_1 iframe{max-height:100%!important}