Có lẽ không cần phải giới thiệu nhiều bởi con khỉ này đã trở thành một hình tượng kinh điển trong mỗi chúng ta mỗi khi nhắc đến Thần thoại Trung Quốc mặc dù đây chỉ là một nhân vật bước ra từ tiểu thuyết của Ngô Thừa Ân và những câu chuyện dân gian truyền miệng.Tôn Hành Giả, Tề Thiên Đại Thánh, Mỹ Hầu Vương, Đấu Chiến Thắng Phật – Tôn Ngộ Không. Với hàng loạt danh xưng mỹ miều và có phần ngang tàng, con yêu hầu này là một trong số ít những nhân vật có bản lĩnh dám đại náo cả thiên cung.
Tương truyền, năm xưa bà Nữ Oa dùng đá ngũ sắc để vá trời, sau đó có thừa ra một viên đá. Bà ném nó xuống trần gian, viên đá rơi xuống ngọn Hoa Quả Sơn tại Đông Thắng Thần Châu. Trải qua năm tháng, viên đá tích tụ thêm linh khí trời đất, dần tách ra một quả trứng đá, từ quả trứng lại nở ra một con khỉ đá, vừa sinh ra hai mắt đã lấp loáng hào quang, chiếu rọi lên tận Thiên đình.
Cũng có một thuyết khác dựa theo tiểu thuyết Phong thần thì cho rằng Tôn Ngộ Không là Viên Hồng đầu thai. Viên Hồng là con yêu quái đứng đầu nhóm Mai Sơn Thất Quái, phò giúp Trụ vương chống quân Tây Kỳ, xét ra thì cũng có nhiều nét tương đồng với Tôn Ngộ Không. Cả hai cùng là tinh con khỉ, sử dụng một cây thiết bảng làm vũ khí. Cả Viên Hồng lẫn Tôn Ngộ Không đều có Thất thập nhị huyền công (72 phép thần thông) và đều từng đối đầu không dưới một lần bất phân thắng bại với Nhị lang thần Dương Tiễn.
Xét về bản lĩnh, ngoài việc trường sinh bất tử, Tôn Ngộ Không tuy đạo hạnh mới được trên 500 năm nhưng cũng đã thành thạo Thất thập nhị huyền không, sức mạnh hơn người, mình đồng da sắt, thiên biến vạn hóa. Đặc biệt lại có Hỏa nhãn kim tinh nhìn thấu mọi sự ngụy trang, phép Cân Đẩu Vân, nhún mình một vòng bay xa 10 vạn 8 ngàn dặm. Chưa kể đến cây gậy Như Ý lợi hại mà Ngộ Không sử dụng chính là cây Định Hải Thần Châm nặng 13.500 cân tương truyền do Nguyên Thủy Thiên Tôn năm xưa tạo ra để đo biển và trời. Điểm yếu duy nhất của hắn có lẽ là không thạo thủy chiến. Mỗi lần xuống nước đều có vẻ ngại ngùng. Hoặc cũng có thể hắn ta lười xuống nước nên nói vậy cho tụi Bát Giới, Sa Tăng – hai đứa ăn hại có đất mà diễn.
Xét về trí tuệ hay sức mạnh, phép thuật hay kỹ năng chiến đấu, có lẽ Tôn Ngộ Không có thể thừa sức so tài với Hercules của Hy Lạp hay thần Thor hùng mạnh trong truyền thuyết Bắc Âu