Việc VNG chuẩn bị IPO tại thị trường Mỹ dẫn đến nhiều tài liệu hay thông tin được chia sẻ hơn, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa VNG và Tencent.
VNG cho biết, hai bên đã ký thỏa thuận với các công ty con của Tencent đảm bảo việc Tencent không cạnh tranh với VNG khi vận hành các sản phẩm, phân phối game ở Việt Nam, đồng thời ưu tiên cho VNG 5 năm phát triển game mobile và game PC của Tencent tại các thị trường Indonesia, Malaysia, Philippines, Sinagpore và Thái Lan. Nhiều sản phẩm của VNG được phát hành đồng thời ở Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á, gần đây nhất có Metal Slug Awakening.
Theo báo cáo, trong các năm 2020, 2021 và 2022, riêng 2 tựa game Võ Lâm Truyền Kỳ và PUBG Mobile đã đem về tương ứng 30,6%, 40,7% và 29,4% doanh thu cho VNG. Riêng nửa đầu 2022 và 2023, hai sản phẩm này đóng góp lần lượt 34,3% và 27% doanh thu cho công ty.
Theo tài liệu được công bố, VNG đã trả tiền bản quyền cho Tencent lần lượt là 545,4 tỷ đồng, 691,4 tỷ đồng và 634,4 tỷ đồng qua các năm 2020, 2021, 2022. Đặc biệt báo cáo chỉ ra 6 tháng đầu năm 2023, VNG đã trả tiếp 360,3 tỷ đồng tiền bản quyền cho phía Tencent. Tổng cộng con số sau 3,5 năm là hơn 2.200 tỷ đồng.
Ít người biết rằng để có được quyền phát hành game, VNG thậm chí phải trả trước tiền bản quyền, thực hiện quy định cam kết chi phí marketing cho trò chơi và đưa ra những số liệu thống kê cụ thể đến nhà sản xuất Tencent. Nhưng điều này cũng là sự đánh đổi và dễ gặp nhiều rủi ro bởi khi game chưa phát hành thì không thể biết được mức độ thành công hay thất bại của sản phẩm ra sao nên sự hợp tác này đòi hỏi sự tính toán và ở một mức độ nào đó là sự chấp nhận mạo hiểm.
Bên cạnh đó, để phát hành game tại Việt Nam, đương nhiên hãng VNG sẽ phải chịu trách nhiệm việc nội địa hóa trò chơi như chuyển ngữ, xin cấp phép từ cơ quan chức năng, phát triển website, server, đăng ký sở hữu trí tuệ, hỗ trợ khách hàng 24/7. Nói chung hoạt động vận hành đều phải thực hiện từ A đến Z, nếu có thì cũng nhận được hỗ trợ không nhiều từ phía hãng sản xuất như Kingsoft hay Tencent.
Báo cáo cũng cho hay, sau đợt IPO sắp tới Tencent có thể sở hữu thêm 7,54 triệu cổ phiếu và Kingsoft sở hữu thêm 5,605 triệu cổ phiếu hạng A. Trước đó, Tencent đã nắm 57,6 triệu cổ phiếu từ đại diện là hai công ty con Tenacious Bulldog và Prosperous Prince và hiện có quyền biểu quyết là 23,2%.
Theo: Game4v