Yama – Thần cai quản địa ngục

 

Trong thần thoại Hindu, Yama là vị thần cai quản địa ngục (Diêm vương) và cũng là vị thần đại diện cho công lý, người bảo hộ của phương Nam. Những phụ tá luôn đi cùng thần Yama bao gồm Kala (Thời gian), Jara (Tuổi già), Vyadhi (Bệnh tật), Krodha (Tức giận) và Asuya (Ghen tuông) – có lẽ theo quan niệm của đạo Hindu thì đây là những yếu tố khiến con người ta đi đến cái chết nhanh nhất.

Ngoài ra, thần Yama còn có một trợ lý đắc lực nữa là Chitragupta – vị thần nắm giữ sổ sách sinh tử, chịu trách nhiệm ghi chép lại mọi hoạt động thiện-ác của một con người để báo cáo lại cho Yama, từ đó thần Yama sẽ có cơ sở để phán quyết một linh hồn. Linh hồn nào “hạnh kiểm tốt” thì được lên thiên giới (Svarga), “hạnh kiểm xấu” thì bị đày xuống địa ngục (Naraka), còn xếp hạng trung bình thì được đưa đi đầu thai sống thêm kiếp nữa.

Về nguồn gốc của thần Yama cũng không được thống nhất. Đa phần người ta kể rằng thần Yama từng là con người đầu tiên trải qua cái chết vì thế được trở thành vị thần cai quản cái chết. Ông là con trai của thần Mặt trời Surya. Ông còn có một người em gái song sinh tên là Yami – nữ thần của dòng sông Yamuna (trong một số câu chuyện thần thoại thì Yama và Yami chính là tổ tiên của nhân loại).
Thần Yama được miêu tả với nước da màu xanh, mặc áo đỏ, đầu đội vương miện sáng bóng và thường cưỡi một con trâu. Ông luôn cầm theo một sợi thòng lọng thần để bắt giữ linh hồn.

Người ta tin rằng, muốn tránh bị thần Yama bắt đi thì có thể cầu nguyện và gọi tên 3 vị thần tối cao Brahma, Vishnu và Shiva. Đương nhiên, cách này cũng sẽ chẳng hiệu quả đâu vì chẳng ai có thể tránh khỏi cái chết hơn 1 lần cả. Có một câu chuyện về một người đàn ông tên Markandeya – một tín đồ sùng đạo, một lòng trung thành và tôn thờ thần Shiva. Khi đến số phải chết, thần Yama rất muốn vào bắt Markandeya về địa ngục nhưng ông ta lại cứ quỳ lậy và ở lì bên trong đền thờ của thần Shiva, bên cạnh bức tượng Linga (biểu tượng dương vật của thần Shiva), khiến thần Yama không dám xông vào. Ông bèn dùng sợi dây thòng lọng của mình quăng vào, kéo Markandeya xuống địa ngục, ngờ đâu kéo luôn cả tượng Linga của Shiva. Thần Shiva nổi giận vì sự mạo phạm này (à, nó dám lấy dây buộc thằng nhỏ của mình), đá chết thần Yama ( thần chết bị đá chết!).
Mọi chuyện tưởng rằng xong xuôi nhưng hóa ra thần Shiva đã gây ra họa lớn. Vì không còn thần Yama, con người trở nên bất tử. Chẳng một ai chết nữa nên thế giới dần trở lên quá tải, và vì không phải sợ hãi cái chết nữa, con người cũng liều lĩnh và bất cần hơn, sẵn sàng làm những điều xấu xa mà không sợ quả báo hay phán xét. Trước tình trạng hỗn loạn đó, các chư thần họp nhau lại và thần Shiva buộc phải hồi sinh thần Yama ngay tức khắc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *