Giả thuyết One Piece về chủng tộc Lunarians, một phần Vương quốc cổ đại và truyền thuyết về “Mặt trời thứ 5”

Giả thuyết One Piece về chủng tộc Lunarians, một phần Vương quốc cổ đại và truyền thuyết về “Mặt trời thứ 5” - Ảnh 1.
Đánh giá post

Liệu King có phải thuộc về một quốc gia bị ruồng bỏ tại mặt trăng?

Dựa theo những thông tin từ Marco và Queen, chúng ta đã có sơ lược những thông tin về chủng tộc của King, bao gồm:

– Chủng tộc đó có tên là Lunarians, tồn tại trên Red Line từ rất lâu trước khi Mary Geoise ở đó. Trong thời đại cổ, vùng đất của họ còn được gọi là “Vương quốc của những vị Thần”. Với khả năng tự tạo ra lửa từ cơ thể và có thể chất “quái vật” có thể sóng sót trong nhiều dạng môi trường. Nhưng cuối cùng vẫn bị tận diệt với một nguyên do chưa được biết.

Giả thuyết One Piece về chủng tộc Lunarians, một phần Vương quốc cổ đại và truyền thuyết về “Mặt trời thứ 5” - Ảnh 1.

Đầu tiên, nói riêng về King, tạo hình đậm màu màu đen của King, đi kèm thanh kiếm và cơ thể tạo ra lửa, lẫn cuộc chiến với Zoro đã ít nhiều gây liên tưởng về Surtr trong thần thoại Bắc Âu. Vì Surtr cũng là một người khổng lồ lửa, với vũ khí là một thanh kiếm được miêu tả là “sáng hơn mặt trời”, cai trị Muspelheim – Vùng đất của lửa. Cái tên “Surtr” cũng có ý nghĩa là “Đen”.

Câu chuyện nổi tiếng về Surtr chính là cuộc đấu kiếm giữa Surtr với Freyr. Mà ở cuộc chiến đó, Freyr cũng vô cùng chật vật vì trước khi cuộc chiến diễn ra, anh đã tặng đi thanh kiếm vốn có của mình. Quay lại vấn đề chung, nếu dựa theo điểm nhìn của Zoro thì đôi cánh lông vũ của King có thể cử động, cho thấy đó có thể là cánh thật.

Giả thuyết One Piece về chủng tộc Lunarians, một phần Vương quốc cổ đại và truyền thuyết về “Mặt trời thứ 5” - Ảnh 2.

Nếu đặc điểm đôi cánh là thật, cộng hưởng cùng cái tên “Lunarian” làm mình liên tưởng đến những bộ tộc từng sống trên mặt trăng, bởi “Luna” trong tiếng Latin có ý nghĩa là mặt trăng.

Nhưng hẳn mọi người vẫn nhớ, tại arc Skypiea, vốn dĩ chỉ có 3 bộ tộc được nhắc đến là Shandorian, Skypiean và Brikan. Trong mini story về cuộc viếng thăm của Enel tại mặt trăng, chúng ta cũng chỉ “thấy” được hình vẽ về ba chủng tộc trên.

Lúc này, mình tự hỏi liệu có phải mình đang bỏ sót cái gì không? Khi mà cái chúng ta “thấy” chỉ là những thứ được tác giả Oda bày ra cho nhìn. Một nửa sự thật, không hẳn là sự thật nữa. Cho nên mình đã trở lại để xem kỹ bức tranh của Enel ở mini story, và một thứ hay ho đã thật sự tồn tại.

Giả thuyết One Piece về chủng tộc Lunarians, một phần Vương quốc cổ đại và truyền thuyết về “Mặt trời thứ 5” - Ảnh 3.

Trong một khung tranh, ngoài hình ảnh về 3 người đại diện cho 3 chủng tộc Shandorian, Skypiean và Brikan thì phía dưới lại lấp ló thêm hình ảnh của một người thứ 4, với kiểu nón khác với ba người còn lại.

Từ dữ kiện trên, có khả năng có một chủng tộc thứ 4 tồn tại trên mặt trăng. Và nếu dựa theo vị trí đứng, có thể họ đã rời khỏi mặt trăng để xuống biển xanh trước cả 3 chủng tộc còn lại. (Hoặc trong một giả định “đen tối” hơn nữa: Đó là họ bị đuổi khỏi mặt trăng. Nếu tiếp tục dựa theo vị trí đứng cùng quân đội và sự vô cảm của nhân vật đại diện cho Skypiean. Đối lập với hình ảnh chia tay đẫm lệ của 3 chủng tộc khi họ rời mặt trăng. Bản thân Skypiean sau này cũng có “hậu án” là xâm lược lãnh thổ của đồng hương Shadorian. Dẫu vậy, đây chỉ là giả định bên lề nên mình cũng không lấy làm tin tưởng.)

Ngoài ra, có vẻ như họ đã xuống Biển xanh trên một phương tiện gắn với một nguồn nhiên liệu/năng lượng/vật thể khá “bí ẩn”. Khác với cách “thô sơ” mà ba chủng tộc còn lại rời mặt trăng.

Nếu giả định trên là đúng thì khi dựa trên nền văn minh tiên tiến vốn có của mặt trăng, mình tự hỏi khi “vật thể lạ” kia xuống tới Biển xanh, nó sẽ trở thành thứ gì? Pluton hay thứ vũ khí nào đó khác? Có lẽ đây là câu hỏi cho một vấn dài hơn để nói vào dịp khác.

Bởi hiện tại, xâu chuỗi những dữ kiện bên trên, câu hỏi trước mắt đặt ra là: Phải chăng chủng tộc “Lunarian” của King và chủng tộc thứ 4 trên mặt trăng kia chính là một?

Bởi ngoài cái tên và đôi cánh. Cách mà đất nước của người Lunarian ở Red Line được gọi là “Vương quốc của những vị Thần” mang nhiều không khí tương đồng với tín ngưỡng thờ thần của ba chủng tộc Shandorian, Skypiean và Brikan. Bên cạnh đó, liệu năng lực “tự tạo ra được lửa” của người Lunarians có phải cũng đã góp phần cung cấp được phần nào nguồn dây chuyền năng lượng vận hành tại mặt trăng, để rồi khi họ rời đi thì nguồn năng lượng ấy cũng dần cạn kiệt?

Và cứ như vậy, ta tiếp tục giả định rằng, người Lunarians đã mang theo nền văn minh lẫn kiến thức khoa học tiên tiến, họ xuống Biển xanh, hình thành nên một vương quốc thịnh vượng tại Red Line. Những miêu tả trên có vẻ sẽ khiến chúng ta liên tưởng ngay đến một cái gì đấy. Đúng vậy, là “Vương quốc cổ đại”.

Giả thuyết One Piece về chủng tộc Lunarians, một phần Vương quốc cổ đại và truyền thuyết về “Mặt trời thứ 5” - Ảnh 4.

Vậy vương quốc của người Lunarian có phải là Vương quốc cổ đại không? Không hẳn. Bởi cho đến hiện tại, theo quan điểm của cá nhân mình, “Vương quốc cổ đại” là một cái gì đó to lớn, bao trùm nhiều thứ hơn là một chủng tộc, một vùng đất. Cho nên, ngay cả khi giả định về Lunarian là đúng, thì với mình, Lunarian chỉ là “một phần” trong câu chuyện ấy.

Bên cạnh đó, nếu cánh chim của người Lunarians là có thật, thì hình ảnh này lại khiến mình nhớ một thần thoại cổ của người Aztec. Thần thoại về việc thế giới trải qua 5 lần diệt vong tương ứng với 5 lần thay đổi mặt trời, bao gồm:

– Mặt trời thứ nhất (Tezcatlipoca): Cư dân đầu tiên của thế giới khi ấy là những người khổng lồ. Họ bị tiêu diệt bởi Tezcatlipoca ra lệnh cho báo đốm ăn thịt trong cơn giận dữ.

– Mặt trời thứ 2 (Quetzalcoatl): Một nhóm người bình thường được tạo ra để sinh sống trong thế giới mới. Nhưng Tezcatlipoca lại lần nữa biến họ thành khỉ, khiến cho Quetzalcoatl tức giận và thổi bay những con khỉ ra khỏi trái đất. Thế giới lại được tái tạo lần nữa.

– Mặt trời thứ 3 (Tlaloc): Thế giới tiếp tục bị tận diệt bởi cơn mưa lửa (do Tlaloc đang buồn vì bị Tezcatlipoca cướp vợ mà người dân thì cứ ồn ào cầu xin mưa cho những vụ mùa, nên Tlaloc đã cho cơn mưa lửa trút xuống thế giới). Chỉ những con chim là sống sót trong sự kiện này (Hoặc cư dân cố sống sót bằng cách trở thành chim).

– Mặt trời thứ 4 (Chalchiuhtlicue – vợ mới của Tlaloc): Chalchiuhtlicue vốn dĩ nhân hậu với người dân. Nhưng cứ bị Tezcatlipoca đồn thổi là đạo đức giả nên cô ấy đã bắt đầu khóc suốt 50 năm, khiến cả trái đất ngập lụt. Người dân phải trở thành cá để tồn tại.

– Mặt trời thứ 5: Thế giới đang hiện hữu. Được tiên đoán sẽ phải chịu một cơn động đất cực kỳ lớn.

Ở đây, không rõ là trùng hợp hay nguyên do khác mà những cụm từ như “người khổng lồ, khỉ, chim, cá” dường như đều là những mắt xích có thể bắt gặp trong One Piece.

Với người khổng lồ và cá chắc không cần phải nói thêm (Giant, Fishman).

Còn với “khỉ” bị thổi bay khỏi trái đất thì sao? Trước hết thì dĩ nhiên nó làm mình liên tưởng đến con vật tượng trưng cho Luffy. Lẫn họ của Luffy – Garp – Dragon đều là Monkey. Nhưng khi nhìn tổng quát hơn thì mình còn liên tưởng đến tộc Mink khi họ phải lang thang cùng Zou suốt nghìn năm qua.

Giả thuyết One Piece về chủng tộc Lunarians, một phần Vương quốc cổ đại và truyền thuyết về “Mặt trời thứ 5” - Ảnh 5.

Tương tự, với “chim” sóng sót trong cơn mưa lửa thì sao? Trước đây có một chi tiết về tộc Mink khiến mình băn khoăn, đó là không hề có chim trong tộc Mink. Và giờ đây, hình ảnh “chim và lửa” của tộc Lunarian lại lần nữa làm mình nhớ đến sự kiện này.

Cuối cùng là câu chuyện về “mặt trời thứ 5”, chúng ta cũng có con số 5 là số có nhiều liên hệ với Luffy. Sinh nhật ngày 5/5, số 5 trong “Go-mu” (56), số tham gia đấu trường Corrida là 556. Gần đây nhất, Luffy còn được gọi với cái tên là “Hoàng đế thứ Năm”. Đồng thời, không dưới một lần, những nhân vật trong One Piece ngụ ý rằng Luffy nói riêng và băng Mũ Rơm nói chung sẽ là người đem đến bình minh cho thế giới này, đồng nghĩa với ánh mặt trời. Và nếu dựa theo những lời tiên tri của Shyarly, Luffy sẽ là kẻ phá hủy Đảo Người Cá. Nghĩa là có khả năng bản thân Luffy cũng sẽ gây nên một cơn “đại địa chấn” trong tương lai, nhưng hẳn là theo một hướng tích cực.

Trong văn hóa của người Aztec cũng vậy, họ cũng tin rằng cơn động đất gây diệt vong kia không phải là dấu chấm hết mà sẽ là khởi nguồn cho một thế giới mới tươi đẹp hơn. Thế nên họ luôn chờ đợi “vị cứu tinh” xuất hiện (trong vài phiên bản thì đó là Quetzalcoatl), giống như cách người Maya chờ đợi sự xuất hiện của Kukulkan. Khi Kukulkan đã hứa rằng sẽ trở lại một ngày nào đó trong tương lai, nhưng ông ấy chưa bao giờ tiết lộ khi nào (gần giống cách mà Joyboy đã hứa).

Và theo mình tìm hiểu thì “vị cứu tinh”/ Quetzalcoatl kia và Kukulkan là một, mà không chỉ có tên Kukulkan, trong mỗi nền văn hóa thuộc khu vực Mexico/Trung Mỹ, Kukulkan lại mang một cái tên khác.

Trong thần thoại, mặt trời thứ 5 ban đầu có đến 2 người, với Tecuciztecatl tự tin đề cử bản thân nhưng lại sợ hãi nhảy vào lửa, còn những vị thần khác lại chọn Nanahuatzin. Thế là Nanahuatzin lao vào lửa và trở thành mặt trời đầu tiên, Tecuciztecatl thấy vậy cũng lao vào theo và trở thành mặt trời thứ 2. Gây nên tình trạng tồn tại cùng lúc 2 mặt trời. Thấy quá chói chang, những bị thần khác đã ném một con thỏ vào Tecuciztecatl, khiến Tecuciztecatl trở thành mặt trăng và giúp đỡ cho Nanahuatzin (lúc này đã kiệt sức) có thêm sức mạnh để di chuyển trên bầu trời.

Giả thuyết One Piece về chủng tộc Lunarians, một phần Vương quốc cổ đại và truyền thuyết về “Mặt trời thứ 5” - Ảnh 6.

Câu chuyện này làm suy ngẫm đến câu chuyện giữa Teach và Luffy, khi cả hai đều có chữ “D” trong tên của mình, từ những kẻ “nhỏ bé” đụng mặt nhau ở Jaya theo một cách đầy duyên nợ, đi hai con đường trái ngược nhau, vậy mà giờ đây đều trở thành những kẻ đứng ở đầu sóng ngọn gió của thời đại. Và trái ngược với ánh mặt trời của ban ngày, mặt trăng lại đại diện cho màn đêm. Còn Teach lại sở hữu sức mạnh Bóng tối.

Mình không biết sự trùng hợp này có ý nghĩa gì hay không. Dĩ nhiên, dù là có thì có lẽ tác giả Oda cũng sẽ chỉ lấy theo cảm hứng để phóng tác, chứ không lấy nguyên mẫu (vì sẽ dễ đoán). Và nếu phải đặt một giả định ở đây, thì câu hỏi sẽ là liệu những “nhân tố” được nhắc trong thần thoại kia phải chăng chính là một trong những nhân tố đã góp phần tạo nên cái “thế giới đã mất” trong Thế kỷ trống? Một thời kỳ mà ở đó, họ không phải chạy trốn hay tách biệt với thế giới như hiện tại.

Bởi bản thân nền văn minh rực rỡ của Đế chế Aztec nói riêng hay Maya – Inca – Aztec/Trung Mỹ nói chung đều đã phải đặt dấu chấm hết khi bị Tây Ban Nha xâm lược. Mà Dressrosa, đất nước thuộc liên minh 20 quốc gia thành lập nên chính phủ thế giới, ban đầu được cai trị bởi gia tộc Donquixote cũng mang dáng dấp của văn hóa Tây Ban Nha. (Aztec và Maya cũng được lấy cảm hứng cho arc Skypiea)

Tóm lại, những phân tích và giả định trên chỉ là những chia sẻ từ suy nghĩ của cá nhân mình dựa trên những gì đang có. Không mang tính áp đặt suy nghĩ này cho bất kỳ điều gì hay cho ai, mà chỉ để mọi người tham khảo để có cái nhìn đa chiều hơn.

Nguồn: Admin K164 – Hội những người ăn ngủ cùng One Piece

Theo GameK

Facebook