Tích cũ Lê Triều kể lại, năm ấy đất Bắc Giang có ba chị em thôn nữ, phụ mẫu đoản mệnh qua đời từ sớm nên ba người nương tựa nhau mà sinh sống. Lúc chiến tranh loạn lạc, người chị cả là Lê Hoa đứng lên xưng tướng cầm binh đánh giặc, bà hy sinh trong trận chiến, thi hài xuôi dòng trôi đến đền Ba Cầu thì ngự bên bờ. Người em gái Như Hoa cũng nối nghiệp đao binh của chị, một lòng vì giang sơn mà chiến đấu rồi sức cùng lực kiệt thác tại gốc cây làng Muổng, chỉ vài canh giờ mà một ụ mối đóng cao trên nhục thân bà. Từ ấy trở đi mỗi sáng không còn nghe tiếng gà trống gáy, nước giếng mỏ Găng cũng cạn khô. Dân làng được báo mộng có nữ tướng hiển thánh tại đất ấy, họ lập đền thờ phụng dưỡng hương khói, sau bà được vua sắc phong nữ tướng.
Hai chị vì xã tắc mà bỏ lại thanh xuân, để lại cô em út mới chừng mười bốn tuổi. Nàng có nhan sắc hoa xuân và lòng từ ái bao la, Lão Tổ Quỷ Cốc Tiên Sinh thấy nàng là người đức tài hội tụ nên nhận làm nghĩa nữ dạy cho thuật chiêm bốc biết sự thiên cơ, phong hiệu Nguyệt Hồ. Học được tiên thuật, bà ra sức làm điều phúc lành mà tiên đoán thiên thời địa lợi cho muôn dân.
Chuyện ấy truyền đến tận kinh đô, triều đình cho mời bà về giúp việc đại sự. Mỗi lần ra quân, vua đều cho người thỉnh bà gieo quẻ xem sự vị lai để bày binh cơ. Nhờ công bà mà quân ta trăm trận trăm thắng, cường địch biết chuyện cho lệnh Quỷ Cốc Tiên Sinh vốn là người Bắc quốc mau chóng dẹp trừ cái gai trong mắt. Nghe theo bổn quốc, ông phải mang con nuôi đi chôn sống làm phép yểm vàng, vẫn còn nghĩa xưa nên lập ra đền thờ để hương linh có nơi an trú. Nguyệt Hồ thác thiêng thường linh ứng xem quẻ khứ lai cho con dân được nhờ, muôn dân trăm họ tôn thờ gọi bà là Chúa Bói, đứng ngôi Đệ Nhị trong Tam Vị Chúa Mường.
Chúa Nguyệt Hồ rất anh linh, thường hay trắc giáng ngự đồng. Chúa về mặc xiêm y màu xanh, múa mồi song đăng rồi dùng lá trầu cùng quả cau làm vật thiêng mà bói toán cho đời.