Cosplay Confession – Phần 1: Từ hoa “hường” đến “thị” đắng

cosplay confession 01
Đánh giá post

Khắp nơi các trang Confession đủ mọi chủ đề mọc lên như nấm sau mưa, rồi cái gì tới cũng phải tới khi cộng đồng cosplay cũng bắt đầu có trang Cosplay Confession cho riêng mình.

Tuy không xác định được thời điểm cụ thể nhưng trong trí nhớ của tôi thì tầm 2-3 năm trước, đột nhiên trào lưu confession nở rộ mạnh mẽ trong cộng đồng cư dân mạng Việt Nam. Khắp nơi các trang Confession đủ mọi chủ đề mọc lên như nấm sau mưa, rồi cái gì tới cũng phải tới khi cộng đồng cosplay cũng bắt đầu có trang Cosplay Confession cho riêng mình.

Confession xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2012 trên những mạng xã hội (ở Việt Nam chủ yếu là Facebook), ban đầu được dùng trong các trường và đại học để học sinh/sinh viên chia sẻ những quan điểm của mình một cách ẩn danh. Mục tiêu chính của Confession là nhằm khuyến khích các bạn trẻ lên tiếng để bày tỏ cảm xúc, quan điểm hay những vấn đề mà họ trăn trở với cộng đồng lớn hơn mà không sợ bị công kích cá nhân. Cho tới tận ngày nay các trang Confession tại Việt Nam vẫn làm tốt vai trò này của mình, nhưng trong cộng đồng Cosplay thì nó lại không chỉ đơn giản như thế.

 

Phụ lục

  • 1 Từ thuở ban đầu “hường huệ” ấy
  • 2 “Thị” ơi đừng rụng bị bà…
  • 3 Không đủ “thị” không đủ “hường”? Chuyện nhỏ!

Từ thuở ban đầu “hường huệ” ấy

Bản thân từ “confession” có nhiều nghĩa, và với đầu óc lãng mạn một chút thì ta có thể dịch nó thành “lời tỏ tình”. Cosplay Confession đã ra đời ban đầu với cái ý nghĩa đáng yêu đó, một nơi để các “kouhai”(đàn em) tỏ tình với các “senpai” (đàn anh đàn chị) mà không lo bị… phát hiện.

cosplay confession 01

cosplay confession 01

Số lượng các trang cosplay confession tại Việt Nam không dừng lại ở con số 1 hay 2

Tràn ngập trong những trang cosplay confession (cfs) là những lời thổ lộ yêu thương , những chia sẻ về ấn tượng và tình cảm của các bạn dành cho một cosplayer nào đó. Có thể đó là những cosplayer kì cựu và nổi tiếng hay đơn giản chỉ một cosplayer vô danh nhưng đã khiến các bạn xao xuyến trong một phút giây, tựu chung lại những lời cfs ban đầu ấy đều ngây ngô và rất dễ thương. Cho đến một ngày nọ lúc mà tim bay đã rợp trời thì những trái “thị” đầu tiên bắt đầu “tỏa hương”.

“Thị” ơi đừng rụng bị bà…

Sau những lời yêu thương có cánh, cosplay confession bỗng chốc chuyển mình sang dạng thức mới: công kích và phê bình, mà mọi người quen gọi là thị. Thị cô Tấm thì thơm thì ngọt rồi đấy, cơ mà “thị” của cfs thì chả ai muốn nhận cả. Dễ hiểu thôi vì “thị” này xuất phát trong từ “thị phi”. Thị phi ở đâu mà chẳng có. Chút tị nạnh, chút xấu tính, chút thua thiệt đã có thể khiến những cặp mắt dò xét của người đời để ý và cái miệng của họ bắt đầu dèm pha. Cfs đã khiến cho thị phi trở nên dễ dàng hơn gấp bội vì tính chất nặc danh của nó. Đơn giản làm sao khi bạn có thể cất tiếng phê bình người khác mà không sợ bị công kích trở lại vì không ai biết bạn thực sự là ai. Ban đầu còn chỉ là những lời góp ý, dần dần mức độ sỗ sàng công kích mỗi lúc một rõ ràng hơn: Bạn A cos nhân vật X thật là mất hình tượng, nghỉ cos đi bạn! ; Bạn B fail như vậy béo như vậy mà vẫn còn đi còn đi cos sao, không biết xấu hổ! ; Bạn C chỉ được cái xinh thôi chứ cos có ra gì đâu mà các bạn tung hô ghê thế?…. vân vân và mây mây. Chưa hết, “thị” trong cfs còn đáng sợ hơn khi tất cả những kẻ gửi cfs nặc danh cùng nhắm vào một đối tượng, một phát súng đầu tiên châm ngòi rồi tất cả những người còn lại thừa cơ bâu vào xâu xé. Không chỉ riêng về ngoại hình, tính cách, họ còn lôi cả chuyện đời tư của đối tượng kia ra để bàn luận xỉa xói. Tôi không biết có bao nhiêu phần trăm sự thật trong những câu chuyện mà các cfs kia kể lại, nhưng chắc chắn sự tổn thương và khủng hoảng mà chúng dành cho các cosplayer là thật.

cosplay confession 02

cosplay confession 02cosplay confession 03cosplay confession 03

Đúng hay sai? Thật hay giả? Không ai rõ nhưng nhìn vẫn mệt mỏi

Không đủ “thị” không đủ “hường”? Chuyện nhỏ!

Trong khi bãi chiến trường của những cuộc cãi vã trong cfs chưa kết thúc, chúng ta lại đón chào một sự biến tướng khác của nó. Người ăn không hết kẻ lần không ra là câu chính xác để dùng trong trường hợp này. Dù tiêu cực hay tích cực, khi trở thành đề tài bàn tán trong cfs thì đối tượng được bàn tán đều bất đắc dĩ trở thành trung tâm và được nhiều người quan tâm chú ý. Điều bất đắc dĩ này gây nên phản ứng ngược, và có những người thực sự mong muốn được biết đến dù theo hướng tốt hay xấu nên chúng ta bắt gặp những trường hợp, các cosplayer tự tung thị/hường cho chính mình. Tự khen rồi tự miệt thị để người khác vào đồng tình hay an ủi trong chính cfs đó, những bạn trẻ ấy đang mong chờ điều gì? Tôi rất bất ngờ và có phần cảm thấy nực cười khi biết những cfs kiểu này cũng tồn tại, dường như các bạn trẻ đã quên mất ý nghĩa đúng đắn của cfs lẫn việc cosplay mất rồi.

 

Cùng chờ xem phần tiếp theo: Cosplay Confession: Tồn tại hay không tồn tại? Đó KHÔNG là vấn đề!

Source: Motgame

Facebook